(PLVN) - Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, nhiều con phố, giao lộ, trụ sở các cơ quan trên địa bàn Thủ đô trang hoàng rực rỡ cờ, băng rôn tuyên truyền thượng tôn pháp luật...
Tranh và pano cổ động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 trước cổng Bộ Tư pháp trên đường Trần Phú, quận Ba Đình.
Ghi nhận của phóng viên Bao Pháp luật Việt Nam, tại nhiều con phố và trụ sở các cơ quan trên địa bàn Thủ đô như Trần Phú, Điện Biên, Kim Mã, Liễu Giai (quận Ba Đình), Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm),... dịp này trang hoàng nhiều băng rôn, pano, áp phích rực rỡ sắc đỏ tuyên truyền về ngày Pháp luật Việt Nam - 9/11.
Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 4 Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.
Tháng 6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013). Luật quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hành động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.
Đề cao vai trò của pháp luật và luôn tuân thủ đúng pháp luật trong cuộc sống hàng ngày, ông Ngô Khắc Tâm (61 tuổi, sống tại quận Ba Đình) cho biết: "Pháp luật giúp cuộc sống người dân tốt đẹp hơn, chính vì vậy tôi luôn thực hiện đúng quy định của Pháp luật từ những việc làm nhỏ nhất như đổ rác đúng nơi quy định, dừng đỗ xe đúng nơi quy định, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông... Ngoài ra, tôi còn tích cực tuyên truyền đến người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm để mọi người cùng thực thi pháp luật".
Đặc thù công việc thường xuyên phải di chuyển ngoài đường và cần sự nhanh nhẹn, tuy nhiên, gần 1 năm trong nghề, anh Bùi Văn Hải (tài xế giao hàng quê Nam Định) chưa một lần đi sai luật giao thông. "Có đôi khi đơn hàng muộn giờ, khách giục liên tục nhưng không vì thế mà tôi bất chấp vượt đèn đỏ để kịp giao hàng. Bản thân tôi thấy rằng việc chấp hành đúng luật lệ giao thông cũng chính là cách bảo vệ bản thân mình", anh Hải nói.
Theo chị Dương Thu Hà (27 tuổi, quê Vĩnh Phúc), hiến pháp, pháp luật có vai trò và giá trị vô cùng quan trọng đối với mỗi con người trong xã hội. Chị Hà cho rằng, nhờ được tuyên truyền giáo dục pháp luật ngay từ khi còn nhỏ nên chị đã thực thi pháp luật như 1 thói quen. " Từ những việc làm đơn giản như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi đúng phần đường quy định, không tham gia tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật như buôn bán vận chuyển các sản phẩm cấm, không che giấu những hành vi vi phạm pháp luật, tố giác những hành vi xấu... chính là cách tôi thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình với pháp luật".
Còn đối với nữ sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Nguyễn Phương Anh, cách mà cô thực thi pháp luật chính là trung thực trong các bài kiểm tra, thi cử; nói không với học hộ, thi hộ; không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, ý thức tuân thủ pháp luật và có ứng xử phù hợp trong cuộc sống.
Trong tháng cao điểm hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, không chỉ tại Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đồng loạt hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Năm 2023 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, thông qua các hoạt động hưởng ứng sẽ giúp nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật trong toàn dân.