“Có thi đâu mà lo”
Đề cập đến trách nhiệm của người thầy trong việc việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, hoạt động đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phải gắn và tương đồng với thi cử ở tất cả các khối lớp. Đặc biệt, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh bắt đầu từ những người làm thầy.
Đồng thời, cô Nguyễn Thị Nhiếp cũng chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở các trường phổ thông hiện nay. Theo đó, mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh nhưng các trường vẫn chưa xem trọng và chỉ coi đó như “một cơn mưa rào, ào lên một lát rồi tạnh ngay”.
Ngay cả đối với các cán bộ quản lý hay giáo viên cũng thiếu đi sự định hướng. Bởi vậy, họ không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào, nhỡ sai thì làm sao, có được bảo vệ không? Do đó, cách an toàn nhất là làm cầm chừng hoặc không làm cho… yên tâm.
Phụ huynh, giáo viên, học sinh cũng không mấy quan tâm đến vấn đề này vì cho rằng thiếu tính thực dụng, không gắn với kiểm tra, thi cử… Các hoạt động đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa gắn liền và chưa tương đồng với thi cử hiện nay.
Vì thế các nhà trường dù rất quan tâm cũng khó triển khai và khó lan tỏa tới học sinh, phụ huynh. Nhất là vào những thời điểm thi, cha mẹ thường nói: “Thôi thôi cô ơi. Làm sao để các con tập trung vào học”. Các bậc phụ huynh lo lắng nếu như giáo viên cứ đầu tư vào hoạt động giáo dục thì con cái của họ sẽ có kết quả thi không tốt. Đây là một thực tế áp lực rất lớn đối với giáo viên.
Do đó, cô Nhiếp cho rằng, đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần phải gắn với thi cử ở tất cả các khối lớp. Thực tế, các môn học - dạy chữ đều có tổ chức kiểm tra, thi cử để vào đời, nhưng có môn cần như “dạy người” luôn phải “thi” suốt đời lại chưa được chú trọng. Có thể khẳng định, giáo dục con người thành công sẽ tạo được kết quả trước cả kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra.
Còn giáo dục bất thành công là khi học trò đỗ với tấm bằng tốt nghiệp THPT nhưng vẫn ngơ ngác, bơ vơ và nông cạn trước nhiều cảnh huống. Ấy là vì các em bị thiếu hụt, không có những kỹ năng sống tốt cuộc sống của mỗi con người.
Ta thường nói, “học chữ song song với học làm người” hoặc “dạy người thông qua dạy chữ” chứ chưa tiếp cận theo hướng đạo đức là nền tảng của mọi môn học, không phải là môn học tách biệt. Học làm người mà chỉ đợi “cài theo”, “cõng cùng” các nội dung kiến thức thì dù quý nhưng chưa đủ. Do vậy, cần phải có sự chỉ đạo và bắt đầu ngay ở tất cả các nhà trường.
Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phải bắt đầu từ những người thầy. Nhiều nhà trường, vì thiếu tính cụ thể, bài bản nên thường rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy làm”, “không làm không sao”, “có thi đâu mà lo”.
Vậy nên điều đầu tiên giờ đây là cần “thông suốt” nhận thức trong giáo viên. Sẽ không thể có hiệu quả khi ta dạy đạo đức bằng cách giảng giải bởi đạo đức được hình thành qua rèn giũa và trải nghiệm, đặc biệt là khi nhìn thấy thầy cô làm.
Bắt đầu từ những việc nhỏ
Báo cáo tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên...
“Từ năm 2017, môn Giáo dục công dân được chọn là một môn thi trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội của kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả thi THPT quốc gia môn Giáo dục công nhân luôn nằm trong nhóm các môn có điểm thi cao nhất” - Bộ trưởng cho hay.
“Tuy nhiên, nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực; công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ; một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội”.
Dẫn câu ngạn ngữ nước ngoài “Cần một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”, ông Trần Đức Cảnh, Cố vấn Hội đồng tuyển sinh Đại học Havard cho rằng, hệ thống giáo dục, đặc biệt từ mẫu giáo đến lớp 12 không thể tách rời khỏi các vấn đề xã hội đang diễn ra, giáo dục là một phần của xã hội.
Chia sẻ về việc cộng đồng trách nhiệm trong giáo dục trẻ em ở một số nước trên thế giới, ông Cảnh cho biết, sẽ có một nhóm tư vấn tâm lý, kỹ năng, đạo đức cho trẻ em gồm nhiều thành phần cộng đồng tham gia, nhóm này sẽ xây dựng kế hoạch lâu dài, tạo động lực, cảm hứng ngay tại cộng đồng địa phương.
Còn GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho rằng, vấn đề không thể giải quyết được nếu “đóng khung” trong trường học. “Việc này không thể làm được bằng khẩu hiệu chung chung như trước nay vẫn nói là “phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội”, mà cần có những điều chỉnh cụ thể trong các hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em và các quy định pháp luật khác”.
Tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được kết quả tích cực; từ những việc nhỏ như hát quốc ca khi chào cờ, vệ sinh trường lớp,… đã có chuyển biến.
Nhưng yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh. Theo Phó Thủ tướng, các phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống như “Năm điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… phải tiếp tục duy trì và phát huy.
“Đổi mới lễ khai giảng với tinh thần “vì học sinh thân yêu”, giữ gìn vệ sinh trường học, đưa các môn thể thao, võ thuật vào trường học… có chuyển biến trong vài năm gần đây nhưng chưa mạnh mẽ. Năm học tới Bộ GD&ĐT phải siết chặt hơn nữa, phong trào phải thiết thực, tránh hình thức”, Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng “đặt hàng” Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ Tri thức Việt số hoá để huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động, nhất là cấp mầm non, tiểu học; tổ chức cuộc thi “em yêu trường em”, phản ánh người tốt việc tốt từ các em học sinh bằng clip, hình ảnh; phát động phong trào cô trò cùng học…
Và ở góc độ thực tế, theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, nhìn lại các khẩu hiệu trong mỗi nhà trường ta thường gặp như “5 điều Bác Hồ dạy”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Thi đua dạy tốt-học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”…. thiết nghĩ đến 5 phẩm chất của chương trình giáo dục phổ thông mới là “yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm”.
Soi ngẫm lại, thành thật với chính mình, chúng ta thấy còn nhiều thầy cô giáo chưa thực hiện tốt các khẩu hiệu trên. 5 điều Bác Hồ dạy, lời đầu tiên là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Thế nhưng khi nghe tiếng nhạc Quốc ca, thầy cô vẫn ngang nhiên đi trên sân trường thì thật khó để dạy học sinh rằng yêu Tổ quốc từ những hành động nhỏ nhất, đó là khi nghe nhạc Quốc ca, ta dừng lại nghiêm trang nhìn lên lá cờ Tổ quốc và hát bằng cả trái tim mình!
Có những thầy cô ngồi quán cafe hay đi chơi đâu đó, ngay lập tức mạng xã hội biết vì thầy cô chụp ảnh bằng những công cụ với hiệu ứng rất đẹp và hiện đại nhưng lại không biết ứng dụng CNTT để soạn bài.
“Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức, lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt, từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày. Việc nêu gương đạo đức, lối sống chính là việc thầy cần trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày nên thầy cô không thể trì hoãn”, cô Nhiếp nhấn mạnh.