Theo Bộ Ngoại giao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) đã khai mạc sáng 31/7 tại Bangkok, Thái Lan. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận sâu rộng về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực.
Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hoá và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982.
Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN tiếp tục đề cao đoàn kết, gắn kết, tăng cường hợp tác nội khối, giữ vững vai trò trung tâm trong quan hệ đối ngoại, qua đó ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch nhanh chóng trong cục diện chiến lược khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển.
Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.
Chiều 31/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN -Nga và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – New Zealand.
Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương làm xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, khẳng định lại các nguyên tắc đã được nhất trí của ASEAN, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng và đe doạ vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, đề cao luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ DOC và sớm hoàn tất COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các nước ghi nhận quan ngại của Việt Nam, nhất trí cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho các nỗ lực đối thoại và xây dựng lòng tin, ủng hộ lập trường nguyên tắc và vai trò của ASEAN trong đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.
Cùng ngày, bên lề AMM 52, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại gia Nga S. Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy E. Soreide, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Taro Kono.
Trong các cuộc gặp song phương, trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực, Việt Nam và các đối tác đã chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông hiện nay cũng như quan điểm giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp hoà bình, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982./.