Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 23 nghìn tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 19 tỷ USD và 30.696 tỷ đồng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định Bình Thuận có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời là rất lớn, tiền năng du lịch phong phú, nhất là du lịch về biển đảo, sinh thái nghỉ dưỡng, bờ biển có cảnh quan thiên nhiên đẹp, di tích lịch sử văn hóa phong phú. Mũi Né được xác định là trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Tiềm năng đất còn rất lớn và đã có hệ thống thủy lợi khá đồng bộ, sẽ là thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Nhờ việc nỗ lực trong đẩy mạnh thực hiện thu hút đầu tư, đến nay tỉnh Bình Thuận có 1.525 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 303 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 106 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,24 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng Bình Thuận còn không ít khó khăn, thách thức trong việc tổ chức sản xuất, tái cấu trúc để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách tương xứng, trong đó có hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, vướng mắc trong quy hoạch khoáng titan với các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, Bình Thuận khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế phấn đấu xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh có trình độ phát triển cao trong Vùng duyên hải Nam Trung Bộ; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các nghị quyết của Đảng bộ, HĐND tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, đóng góp vào kết quả chung của đất nước.
“Các đồng chí cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư, vai trò và vị trí quan trọng của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp để quyết tâm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng tốt hơn, thuận lợi hơn. Tỉnh cần có cơ chế chính sách thu hút được những nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có uy tín, có tiềm lực mạnh đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để tạo động lực phát triển với mục đích đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chứng kiến ký kết thỏa thuận đăng ký đầu tư vào tỉnh Bình Thuận. |
Phó Thủ tướng lưu ý, muốn đạt được mục tiêu trên, cần phải làm tốt công tác quy hoạch của tỉnh, quy hoạch vùng phù hợp với quy hoạch quốc gia. Điều chỉnh quy hoạch cũ, xây dưng quy hoạch mới gắn với phát triển 3 lĩnh vực trụ cột là du lịch, năng lượng sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn kết với phát triển kinh tế biển. Quy hoạch khu vực ven biển lấy hạt nhân là TP. Phan Thiết, La Gi và các đô thị khác, trên cơ sở đó thu hút các nhà đầu tư. Chúng ta cần làm quy hoạch, cơ cấu, tổ chức lại để xây dựng nền sản xuất lớn, phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp hiện đại, đô thị hiện đại, kinh tế biển hiện đại.
Theo Phó Thủ tướng, trong xu thế phát triển xanh và bền vững, tỉnh Bình Thuận cần khai thác có hiệu quả tiềm năng to lớn về biển, về nắng gió, chuyển khó khăn, bất lợi trước đây thành lợi thế để phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng tin rằng Bình Thuận sẽ là một trong những trung tâm sản xuất điện gió, điện mặt trời lớn của cả nước. Quan tâm xử lý tốt vấn đề rác thải đô thị, rác thải nông nghiệp, chất thải rắn từ các nhà máy điện. Biến rác thải thành điện và vật liệu xây dựng kè sông, kè biển...
“Là một trong những địa phương có đủ cơ hội và điều kiện để phát triển du lịch xanh, sạch, bền vững. Các đồng chí cần thu hút các nhà đầu tư có chất lượng, đưa du lịch thực sự là động lực phát triển của tỉnh; triển khai có hiệu quả Quyết định số l772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phát triển du lịch cần gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với biển đảo, tạo ra nhiều sản phẩm tốt, điểm đến phong phú, hấp dẫn hơn”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Trong thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phải chú trọng phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, khai thác hải sản là một chiến lược hướng đến 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân cũng như hướng ngành thủy sản theo các chuẩn mực khai thác quốc tế (sửa đổi Luật Thủy sản nhằm gỡ "thẻ vàng" của EU) và đánh bắt xa bờ, cần chú ý đến khâu triển khai để tăng hiệu quả chính sách và hạn chế việc lợi dụng chính sách.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần chú ý triển khai tốt Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân; chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, du lịch.
Trong thu hút đầu tư cần chú trọng công tác quy hoạch và liên kết vùng. Bình Thuận cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc hoạch định các định hướng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh, gắn với liên kết vùng và quy hoạch phát triển tích hợp, mang tính hiện đại của vùng.
Tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, bền vững. Trong điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước hạn hẹp, tỉnh cần có cơ chế phù hợp đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, không trông chờ hỗ trợ từ Trung ương.
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, kết hợp đào tạo với thu hút chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến công tác xúc tiến hỗ trợ đầu tư phát triển doanh nghiệp. Có chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp, du lịch, phát triển kinh tế biển, khai thác và chế biến khoáng sản.
“Các đồng chí phải chú ý xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh có hệ thống chính quyền của nhân dân, phục vụ nhân dân; chính quyền thường xuyên đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp, với người dân, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, kiên quyết xử lý nghiêm những trường tham nhũng, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, quan liêu”, Phó Thủ tướng nói.
Phấn đấu nâng cao vị trí trên bản xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh. Thực hiện hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhưng phải làm tốt công tác phòng chống tham nhũng. Đất sạch phải đấu giá. Khi giải phóng mặt phải chú trọng lợi ích của người dân, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, thực hiện đúng cam kết, đúng tiến độ và chất lượng các dự án; đề cao trách nhiệm đầu tư dự án gắn với bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng và thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động.
“Về phía Trung ương, Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Bình Thuận và các nhà đầu tư phát triển trên tinh thần chính quyền và doanh nghiệp cùng đồng hành, chia sẻ, chung tay xây dựng Bình Thuận ngày càng giàu, mạnh, phát triển toàn diện trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh, bền vững”, Phó Thủ tướng khẳng định