Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương đã giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 39.019 tỷ đồng cho các địa phương thuộc Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong cả nước).
Trung bình các địa phương trong Vùng đã xây dựng khoảng 15 văn bản quản lý, điều hành các CTMTQG để thực hiện 12 nội dung theo quy định. Trong đó, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Lâm Đồng đã ban hành 17/17 văn bản để thực hiện các nội dung; 4 địa phương chưa ban hành văn bản quy định cơ chế, chính sách hoặc không thực hiện các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thuộc các CTMTQG3.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Trần Quốc Phương |
Các địa phương trong Vùng đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn.
Kết quả, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên bình quân đạt 3,81% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung giảm từ 12,02% xuống còn 10,04%; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Vùng Tây Nguyên giảm từ 17,52% xuống còn 15,39%.
Ngoài ra, toàn Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên có 1.922/2.751 xã (69,86%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,86% so với đầu giai đoạn).
Qua đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương giao các cơ quan chủ chương trình chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ dự án thành phần và cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình.
Đồng thời, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên cũng cần kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý điều hành ở địa phương theo thẩm quyền bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn và điều kiện đặc thù của từng vùng miền, trong đó lưu ý một số nội dung về cơ chế thực hiện lồng ghép nguồn vốn ở địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố Vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia |
Phát biểu tại Hội nghị lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến việc lo cho người dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn là một chính sách rất nhân văn. So với năm 2022, đã có nhiều tháo gỡ về cơ chế chính sách.
Tuy nhiên tại một số địa phương, việc giải ngân cho cả 3 chương trình mục tiêu, bao gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững, chỉ đạt khoảng 10%.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang |
Trong điều kiện khó khăn về mặt thời gian, cũng như cơ chế còn một số vướng mắc, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm, tích cực, chủ động và quyết liệt hơn trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời quá trình triển khai cũng cần lồng ghép một số chương trình để phát huy hiệu quả nguồn vốn, không sử dụng một cách manh mún.
Về phía Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính Phủ tổng hợp ý kiến từ các địa phương và các bộ ban ngành, chậm nhất trong quý III sẽ có một số điều chỉnh, sửa chữa các vướng mắc còn tồn tại, giúp các địa phương có thể thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được hiệu quả.
Đặc biệt, đối với ý kiến đề xuất của các tỉnh, mà nổi cộm chủ yếu vẫn là quy trình để xử lý công việc các địa phương đang vướng thì Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các hồ sơ đề xuất chính phủ có thể thêm 1 gạch đầu dòng là gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.... để Phó Thủ tướng có thể theo dõi các vấn đề còn vướng của địa phương cũng như câu trả lời từ các Bộ ngành.