Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, trong giai đoạn 2021- 2025, địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, với tổng nguồn vốn được phân bổ cho các chương trình mục tiêu Quốc gia là 83 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân hơn 39,5 tỷ đồng, đạt 47,1%.
Trên cơ sở nguồn vốn của các chương trình được Trung ương phân bổ, vốn đối ứng ngân sách tỉnh cùng nguồn vốn ngân sách của địa phương và vốn xã hội hóa, các chương trình sau hơn một năm thực hiện đã góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: Thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư hoàn thiện; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị… Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều là 2,3%, có 9.879 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, trong đó có 5.516 hộ nghèo thoát nghèo (giảm 1,28% hộ nghèo) và 4.363 hộ cận nghèo thoát cận nghèo (giảm 1,02% hộ cận nghèo).
Đặc biệt, các công trình đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, điện chiếu sáng nông thôn, nước sạch, môi trường nông thôn, trường học… cải thiện rõ rệt, thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.
|
Lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét bổ sung đối tượng thôn đặc biệt khó khăn không thuộc các xã khu vực 2, 3 được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân;
Huyện đồng thời kiến nghị cho chuyển từ cho vay sang hình thức hỗ trợ trực tiếp đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn cũng như ban hành tiêu chí, hướng dẫn xác định hộ có mức thu nhập thấp để làm cơ sở cho địa phương rà soát, đánh giá và lựa chọn đối tượng tham gia học nghề thuộc đối tượng hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, kế thừa thành quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn trước, chương trình triển khai giai đoạn 2021-2025 có cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, người dân sẽ tạo được sinh kế tốt hơn, thu nhập người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ từng bước được cải thiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng kiến nghị Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, giao UBND các tỉnh rà soát nội dung, đối tượng, kinh phí của từng tiểu dự án, dự án thành phần các Chương trình mục tiêu Quốc gia để xem xét điều chỉnh nội dung, nguồn kinh phí các Chương trình mục tiêu Quốc gia để đạt mục tiêu đề ra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện về nội dung chi, mức chi, đối tượng thụ hưởng của các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thêm, giai đoạn 2026-2030, Trung ương tập trung nguồn lực phân bổ về địa phương, phân cấp mạnh để các địa phương chủ động trong quá trình thực hiện, phù hợp với thực tiễn địa phương; đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả tích cực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia mà tỉnh Bình Định nói chung và huyện Tây Sơn đã thực hiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng yêu cầu chính quyền địa phương cần sớm rà soát, xử lý các vướng mắc để tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện lồng ghép hiệu quả đồng thời tính toán đầu tư các công trình cũng như bố trí lại cho hợp lý hơn trong 1.500 tỷ đồng đã được phân bổ, tránh tình trạng dàn trải, phát huy được hiệu quả đầu tư.
Qua kiểm tra thực tế một số dự án tại huyện Tây Sơn, trong đó có dự án chợ Vĩnh An, Phó Thủ tướng lưu ý địa phương cần xác định việc xây dựng chợ là để hoạt động và phải có người dân mua bán thông thương, tránh trường hợp xây chợ mà không có người dân buôn bán.
Chiều nay, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc trực tiếp và trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.