Địa phương cần lưu ý văn hoá ứng xử với doanh nghiệp
Sáng nay, UBND tỉnh Lâm đồng tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và xúc tiến đầu tư. Đây là sự kiện được Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Lâm Đồng mong chờ, kỳ vọng góp phần giúp tỉnh nhà sớm ổn định, phát triển trong giai đoạn hết sức khó khăn hiện nay.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Quyết định số 1727/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng ký ngày 29/12/2023. Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lâm Đồng với quy mô 9.781,2 km2 gồm các đơn vị hành chính: TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên.
Một trong những mục tiêu đáng chú ý của quy hoạch là đến năm 2030 đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Tầm nhìn đến năm 2050 đưa Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo địa phương. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ một số kỷ niệm của bản thân với vùng đất Lâm Đồng và lưu ý địa phương này cần chú ý đến yếu tố văn hoá trong sự phát triển. Văn hoá là yếu tố cốt lõi, trong đó có văn hoá doanh nghiệp, văn hoá ứng xử. “Tôi đặt ra câu chuyện văn hoá bởi Lâm Đồng nói chung, Đà Lạt nói riêng có yếu tố văn hoá đặc sắc về đất và người; nếu giữ được điều này thì sẽ có sự phát triển mạnh mẽ”, Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, vùng đất Lâm Đồng có rất nhiều tiềm năng mới để phát triển như: Đã có cảng hàng không quốc tế Liên Khương; sắp tới sẽ có thêm nhiều cao tốc kết nối Lâm Đồng với các vùng kinh tế; lợi thế về nông nghiệp công nghệ cao, có thể coi Lâm Đồng là nơi khởi nguồn mẫu mực của nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, với tiềm năng khoáng sản bô xít cộng với ngành chế biến nông sản, Lâm Đồng hoàn toàn có quyền hy vọng phát triển công nghiệp.
Dịp này, Tỉnh Lâm Đồng trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản cam kết đầu tư cho các DN với tổng số vốn khoảng 6-7 tỷ USD. |
Đáng chú ý, sau khi nghe nhiều doanh nghiệp (DN) được trao giấy chứng nhận đầu tư, cam kết đầu tư vào Lâm Đồng với tổng số vốn khoảng 6 -7 tỷ USD, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gửi gắm đến lãnh đạo địa phương cần chú ý tới văn hoá ứng xử với nhà đầu tư bởi các DN khi đầu tư, phát triển tại địa phương sẽ quan tâm tới thái độ ứng xử của lãnh đạo địa phương có chia sẻ, “chung lưng đấu cật” với DN hay không. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng cam kết sẽ đồng hành cùng Lâm Đồng, cùng nhà đầu tư, sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến và ứng xử có trách nhiệm.
Triển khai quy hoạch: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu
Đối với nội dung triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhắn nhủ tỉnh cần ghi nhớ 8 chữ để triển khai hiệu quả, đó là “Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu”.
“Giá trị lớn lao nhất của quy hoạch là định vị mục tiêu trong một giai đoạn và giải pháp thực hiện. Do đó nguyên tắc là phải tuân thủ quy hoạch để không đi chệch hướng, đảm bảo phát triển bền vững. Còn linh hoạt nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng không phải, ở đây là linh hoạt trong cách làm, bởi có nhiều cách để triển khai quy hoạch, đối với mục tiêu không có giá trị cốt lõi có thể xin điều chỉnh”, Phó Thủ tướng phân tích khúc chiết.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý những nội dung để Lâm Đồng triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả. |
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, ngoài quy hoạch tỉnh còn nhiều quy hoạch khác nên phải triển khai đồng bộ, nếu không đồng bộ thì không ai dám làm gì cả, lãnh đạo khó điều hành, chỉ đạo. Với hai chữ “thấu hiểu”, Phó Thủ tướng mong muốn những người có trách nhiệm, chính quyền hãy thấu hiểu để triển khai; người dân, DN cũng nên thấu hiểu chính quyền. “Với những gì đã, đang và sẽ có, cùng với quy hoạch tỉnh được phê duyệt, chúng tôi tin tưởng Lâm Đồng sẽ phát triển giàu đẹp, là nơi mọi người đến và nói với nhau những điều yêu thương ấm áp”, Phó Thủ tướng kết lời.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, quyền Bí thư Lâm Đồng Nguyễn Thái Học chia sẻ, địa phương nhận thức sâu sắc rằng việc công bố quy hoạch là sự kiện xác định mục tiêu, phương hướng phát triển của tỉnh nhà thời gian tới; để đưa quy hoạch vào cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm với tư duy đổi mới, quyết tâm cao: “Lâm Đồng cam kết luôn đồng hành cùng DN, nhà đầu tư tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, lành mạnh, hiệu quả. Xin hứa với Phó Thủ tướng, Lâm Đồng sẽ đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, đưa Lâm Đồng phát triển bền vững, văn minh.
Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía nam Tây Nguyên có diện tích trên 9.718km2, xếp thứ 7 cả nước, nằm ở độ cao từ 300- 1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18- 25 độ C. Lâm Đồng có trên 1,34 triệu người với 47 dân tộc sinh sống.
Năm 2023, Tổng sản phẩm trong nước (GRDP) của Lâm Đồng tăng 5,63%, quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 115.835 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35% GRDP; thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.213 tỷ đồng; đón tổng lượt khách du lịch đạt 8,65 triệu lượt khách…
Về cơ cấu kinh tế, năm 2023 dịch vụ chiếm 40,454%; Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 39,874% và công nghiệp- xây dựng chiếm 19,672%. Năm 2023 toàn tỉnh Lâm Đồng thu hút được 13 dự án ngoài ngân sách với số vốn đăng ký 2.443,2 tỷ đồng, quy mô diện tích 113,1ha; luỹ kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 973 dự án còn hiệu lực tổng vốn đăng ký khoảng 143.143 tỷ đồng…