Đã có những bác sĩ phải bỏ nghề vì ảnh hưởng tâm lý
Vấn nạn bạo hành nhân viên y tế diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới từ các nước phát triển đến những nước đang phát triển. Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới có 8% - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Tuy nhiên, chưa thống kê đầy đủ về bạo hành tinh thần như nhục mạ, chửi bới,...
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2010 đến hết năm 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.
“Đã có những bác sĩ phải trả giá bằng tính mạng có nhân viên y tế phải ám ảnh suốt đời, đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Chuyện một cú đấm, cú đá hay cái đạp của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào nhân viên y tế thì những nhân viên y tế đó ngoài mang thương tật về thể xác còn mang thương tật về tâm hồn đó mới là điều nguy hiểm. Khi xảy ra tình trạng bạo hành như thế, mỗi nhân viên y tế sẽ vượt qua khỏi tình trạng đó rất khó khăn và họ sốc rất nặng. Điều đó làm cho nhân viên y tế cảm thấy bị tổn thương sâu sắc và rơi vào trạng thái trầm cảm.
Hậu quả của bạo hành y tế để lại rất nặng nề, tỷ lệ người trầm cảm ảnh hưởng tới công tác chuyên môn do các vấn đề bạo hành y tế đến nay khá nhiều và phổ biến. Nhiều nhân viên y tế sau các vụ việc bạo hành y tế vì không thể trụ được với nghề nên họ đã phải bỏ nghề hoặc chuyển sang các lĩnh vực ít tiếp xúc với bệnh nhân như hành chính, các phòng ban chức năng”, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chia sẻ.
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới các vụ bạo hành, tại tọa đàm “Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua, GS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương nhận định: “Dưới góc độ chuyên môn nghề nghiệp, chúng ta nhận thấy vấn đề không dừng lại ở lối hành xử không chuẩn mực và những nguyên nhân do rượu, bia, ảnh hưởng của các chất kích thích ở một số người bệnh, người nhà người bệnh mà ngay chính phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân của một số y, bác sĩ còn chưa hợp lý. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác, mà việc tăng cường các biện pháp pháp lý không thể giải quyết triệt để vấn đề”.
Đưa tội chống cán bộ ngành y tế vào Bộ luật Hình sự
Từ những nguyên nhân đó, các chuyên gia cho rằng mỗi cơ sở y tế để phòng chống bạo hành thì phải xây dựng môi trường y tế thật sự chuyên nghiệp đặc biệt quy trình làm việc phải thực sự tốt. Cần có hệ thống cảnh báo phòng chống bạo hành, có đội ngũ bảo vệ có kỹ năng, kiến thức phòng chống bạo hành, liên kết với đơn vị công an khu vực ngay khi có bạo hành xảy ra. Đồng thời cá nhân mỗi nhân viên y tế phải tự có ý thức phòng chống bạo hành, nghĩa là phải luôn luôn nhìn nhận ngoài công việc chuyên môn thì phải hiểu rằng những cái gì đang có nguy cơ đe dọa đối với mình. Khi hiểu được điều đó thì đấy là cách bảo vệ tốt nhất bởi môi trường xung quanh bảo vệ chúng ta không quan trọng bằng tự một nhân viên y tế phải có ý thức phòng chống để không xảy ra bạo hành.
Mặt khác, trước sự gia tăng của vấn nạn bạo hành trong bệnh viện, ngày 19/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung khoản D Điều 134 trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tình tiết tăng nặng khi phạm tội cố ý gây thương tích đối với người “chữa bệnh cho mình”. Theo đó, tăng mức phạt đối đa lên tới ba năm tù. Bộ trưởng Y tế cũng đã gửi công văn đến Bộ trưởng Công an đề nghị lực lượng công an phối hợp, tăng cường kiểm soát trật tự trong các bệnh viện và các khu vực chung quanh.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc và nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh chưa thực sự đầy đủ. Ở các nước phát triển bên cạnh việc bảo vệ nhân viên y tế bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế cho dù chỉ là lời nói đều bị trừng phạt rất nặng.
“Pháp luật là điều cực kỳ quan trọng để phòng, chống bạo hành, từ trước đến nay, pháp luật vẫn coi những vụ đánh đập nhân viên y tế chỉ giống như những va chạm ngoài xã hội. Do vậy, khi xảy ra bạo hành đầu tiên là giám định, tỷ lệ thương tật dưới 11% sẽ không bị truy tố mà chỉ giải quyết về mặt hành chính và hòa giải với nhau. Hầu hết tất cả các bác sĩ đều biết rằng đại đa số bị đánh đến mức thương tật nhưng tỷ lệ vẫn dưới 11% bởi đa số y, bác sĩ không muốn sự việc to thêm, do đó xu hướng im lặng và không báo lên trên. Từ đó tôi cho rằng đã đến lúc pháp luật phải xây dựng ít nhất một điều luật đó là tội chống cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, đưa vào thành tội của Bộ luật Hình sự và xa hơn nữa phải xây dựng lại toàn bộ luật về y tế để đảm bảo cho môi trường y tế có thể được làm việc an toàn mà không xảy ra những tình trạng bạo hành”, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chia sẻ.