Theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, việc các trạm y tế, trung tâm tiêm chủng tạm dừng các buổi tiêm chủng thường xuyên trong tiêm chủng mở rộng và triển khai thực hiện theo đúng Công văn số 396/VSDTTƯ-TCQG ngày 31/3/2020 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã gây khó khăn và lo lắng cho ngươì dân trong việc tiêm phòng cho trẻ sơ sinh.
Vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ cho người tiêm không mắc bệnh và tránh xảy ra các vụ dịch lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng người dân. Vai trò quan trọng của vắc xin đối với sức khỏe và chi phí y tế cho cộng đồng là không phải bàn cãi. Vì vậy nếu không được tiêm chủng kịp thời, không ít trẻ nhỏ sẽ mắc phải một số bệnh đã từng làm thế giới đảo lộn, thậm chí còn lớn hơn cả dịch Covid-19.
Hiện nay, các bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ như: Bệnh Lao phải tiêm vắc xin trong 30 ngày sau khi sinh; bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib phải tiêm mũi 6 trong 1; hay các mũi tiêm phòng bệnh sởi, quai bị, rubella… Tất cả các vắc xin đều có hiệu quả tốt nhất ở khoảng thời gian nhất định.
Đối với trẻ sơ sinh, nếu có nguy cơ mắc viêm gan B phải tiêm trong 24 giờ sau sinh hay với bệnh lao, phải tiêm trong vòng 30 ngày sau sinh. Vì chống dịch Covid-19, tạm dừng tổ chức tiêm chủng theo văn bản 1853/BYT-DP và văn bản số 396/VSDTTƯ-TCQG đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn phức tạp, ở một số địa phương có thể thực hiện cách ly xã hội đến 30/4 thì công tác tổ chức tiêm chủng bị dừng vừa tròn một tháng. Vậy các bé sinh cuối tháng ba và đầu tháng tư sẽ khó có cơ hội được tiêm phòng bệnh lao theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở này nhiều cá nhân, tổ chức sẽ tổ chức tiêm mũi phòng bệnh lao với mức phí cao. Trong khi đó, vắc xin phòng lao nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và được tiêm miễn phí. Vì vậy, cần có giải pháp để vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo tiêm chủng phòng ngừa các bệnh nguy hiểm khác cho trẻ nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội./.