Phòng chống HIV/AIDS trong dịch bệnh COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam đang thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030. Tuy vậy, nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi phía trước, bên cạnh đó tình hình dịch bệnh  COVID-19 ngày càng phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Cố gắng đảm bảo nguồn cung thuốc cho người nhiễm HIV trong bối cảnh dịch bệnh.
Cố gắng đảm bảo nguồn cung thuốc cho người nhiễm HIV trong bối cảnh dịch bệnh.

Kể từ lần phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay, Việt Nam đã có hơn 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Cho tới thời điểm này, dịch HIV/AIDS đã từng bước được kiểm soát. Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng nửa triệu người tránh khỏi lây nhiễm HIV và hơn 150.000 người khỏi tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Việt Nam đang nỗ lực giảm số người nhiễm HIV phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%... nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.

Tuy vậy nhiều khó khăn thách thức đang chờ đợi phía trước, số người nhiễm HIV hàng năm vẫn còn cao, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có tỷ lệ nhiễm tăng nhanh trong thời gian qua, dẫn đến khó kiểm soát hơn, ngân sách cho phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế nhất là nguồn viện trợ ngày càng thắt chặt và giảm. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cũng không tránh khỏi sẽ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, do giãn cách xã hội hay cơ sở y tế bị phong tỏa nên ảnh hưởng đến việc tư vấn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và người có nhu cầu phòng, chống HIV; các hoạt động tiếp cận cộng đồng giữa cá nhân với cá nhân; việc cung cấp bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm gặp khó khăn; công tác xét nghiệm HIV nhất là tại cộng đồng; điều trị khi có bệnh nhân nhiễm HIV mới…

Để khắc phục những khó khăn này, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS luôn xác định mục tiêu không được để người bệnh bị gián đoạn điều trị. Cục đã ban hành các văn bản một cách nhanh chóng, kịp thời nhằm hướng dẫn các đơn vị cung cấp đầy đủ thuốc cho người bệnh để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nếu người bệnh đang sinh sống ở khu vực bị hạn chế đi lại sẽ được ưu tiên nhận thuốc tại địa phương hoặc cơ sở điều trị gần nhất. Khi đi nhận thuốc chỉ cần mang theo sổ y bạ và Chứng minh thư/Thẻ căn cước công dân để lĩnh thuốc, không cần có giấy chuyển tuyến. Người bệnh cũng được cấp phát thuốc từ 2-3 tháng. Nếu chưa đến lịch hẹn lĩnh thuốc nhưng do điều kiện khách quan, người bệnh có thể lĩnh thuốc sớm trước thời điểm hết thuốc.

Nếu không may, người bệnh bị cách ly tập trung do liên quan đến dịch COID-19, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) hoặc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển thuốc vào cơ sở cách ly thông qua cán bộ y tế đang phụ trách cơ sở cách ly này….

Theo một thống kê năm 2018, hơn 50% người dân Việt Nam tiếp cận với internet, trong đó đa số đều sử dụng mạng xã hội. Do vậy, nếu biết phát huy vai trò của mạng xã hội thì việc thông tin, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS là một lợi thế lớn.

Nắm bắt được tầm quan trọng của truyền thông qua mạng xã hội, bên cạnh trang web chính thức thì Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế cũng đã xây dựng một fanpage chính thức và duy nhất có tên là: Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, nhằm cung cấp các thông tin chính thức về phòng, chống HIV/AIDS tới đông đảo cộng đồng mạng.

Ngoài ra, Cục cũng khuyến khích các đơn vị, cá nhân cùng tham gia xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai truyền thông, cung cấp thông tin và quảng bá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thông qua hệ thống internet cũng như các nền tảng mạng xã hội. Chính vì vậy, nếu một người có nhu cầu tìm hiểu thông tin về phòng, chống HIV/AIDS qua mạng xã hội là không khó.

Đọc thêm