Phòng, chống ô nhiễm nhựa bằng công cụ pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù quy định về lộ trình giảm rác thải nhựa đã được thể chế hóa trong pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn ở hầu hết các lĩnh vực. Thực tế đòi hỏi cần có quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc hoàn thiện chính sách, đưa ra kế hoạch hành động, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đẩy lùi ô nhiễm nhựa.
Rác thải nhựa tạo nên hình ảnh xấu xí, nhếch nhác tại một bờ biển ở Phú Quốc. (Nguồn: P.V)
Rác thải nhựa tạo nên hình ảnh xấu xí, nhếch nhác tại một bờ biển ở Phú Quốc. (Nguồn: P.V)

Ngành Du lịch quyết tâm cao nhưng vướng… cơ chế

Ngành Du lịch là một trong các lĩnh vực chủ động tiên phong tiến tới một tương lai “không rác thải nhựa” bởi du lịch vừa là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm nhựa nhưng cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác nhựa.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã khởi động xây dựng “Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch” và dự kiến ban hành trong thời gian tới. Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” đã được Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP/GEF-SGP) phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024. Kế hoạch hành động cụ thể là cơ sở để các các hiệp hội địa phương và hơn 20.000 thành viên của VITA thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác nhựa trong lĩnh vực du lịch một cách bài bản, hiệu quả hơn, nhằm bảo vệ môi trường bền vững.

Sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nhựa đã bắt đầu từ nhiều năm trước đây. Đơn cử, VITA đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa” từ năm 2018 và được các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc hưởng ứng.

Đáng nói, trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa, pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra cơ chế nền tảng giúp định hướng, kiểm soát và thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa. Hiện nay, nhiều chính sách pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Quyết định 882/QĐ-TTg, Nghị quyết số 36-NQ/TW… được ban hành.

Dù vậy, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình vẫn cho rằng hệ thống văn bản pháp luật về quản lý rác thải nhựa vẫn chưa đầy đủ. Ông nhấn mạnh, các chính sách của ngành Du lịch chưa đề cập rõ và cụ thể về quản lý rác thải nhựa, chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ TN&MT với Bộ VH,TT&DL về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý rác thải nhựa nói riêng. Ngoài ra, việc thực thi các cơ chế và chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và bao bì thân thiện với môi trường cũng gặp khó khăn.

Để cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa

Nỗ lực chống lại ô nhiễm nhựa không chỉ dừng ở một lĩnh vực hay chỉ dừng tại phạm vi trong nước. Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán cuối cùng của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC-5), nhằm đạt được một thỏa thuận nhựa toàn cầu vào cuối năm 2024. Khi thoả thuận này được ban hành và ký kết, sẽ trở thành một nguồn luật quan trọng góp phần hoàn thiện các thể chế, quy định, lộ trình và kế hoạch về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa trong nước.

Theo ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT, Việt Nam kỳ vọng thế giới đạt được thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa. Đó sẽ là một công cụ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, quy định trách nhiệm chung của các bên tham gia; đồng thời cũng cần có sự phân biệt về trình độ năng lực, điều kiện hoàn cảnh, trình độ phát triển của các nước, với mỗi quốc gia khác nhau phải có mức đóng góp và trách nhiệm khác nhau.

Để chuẩn bị, Bộ TN&MT đã tổ chức các phiên hội thảo kỹ thuật và tham vấn với các chuyên gia và doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành nhựa. Theo đó, các doanh nghiệp, hiệp hội nhựa và những doanh nghiệp có liên quan đến ngành nhựa đều có cơ hội trao đổi và cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội từ việc thay đổi mô hình sản xuất và tiêu chí thiết kế sản phẩm để bảo vệ môi trường tốt hơn. Điều này nhằm bảo đảm khi Chính phủ đưa ra cam kết về một nội dung nào, doanh nghiệp đều được biết về vấn đề này, tránh trường hợp tạo ra “cú sốc” đối nền công nghiệp nhựa.

Do đó, trong quá trình đàm phán, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam mong muốn thỏa thuận này có độ mở và linh hoạt về trách nhiệm của quốc gia khi triển khai thực hiện. Các nội dung cụ thể cần quan tâm bao gồm trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp giải quyết ô nhiễm nhựa trong thỏa thuận này đến đâu, những phần nào có thể tự thực hiện và phần nào cần thêm sự hỗ trợ từ quốc tế, cũng như tác động tới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành nhựa và quy hoạch phát triển ngành hóa dầu của Việt Nam.

Nhìn chung, các quy định pháp luật cần cân nhắc rộng mở tới quyền và lợi ích của tất cả các bên liên quan nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người đều có thể chung tay, góp sức trong công cuộc đẩy lùi ô nhiễm nhựa, bất kể đó là doanh nghiệp, tổ chức trong ngành công nghiệp nhựa, ngành Du lịch hay các lĩnh vực khác.