Phòng, chống sốt xuất huyết trong khi chờ đợi vaccine

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện, Việt Nam chưa có vaccine cũng như thuốc đặc trị cho bệnh sốt xuất huyết Dengue. Vì vậy, nghiêm túc, chủ động trong thực hiện công tác phòng, chống dịch là vô cùng quan trọng.
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống sốt xuất huyết tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. (Ảnh: Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk)
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống sốt xuất huyết tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. (Ảnh: Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk)

Thống kê của Bộ Y tế, trong tuần từ ngày 6 đến ngày 13/8, cả nước ghi nhận 3.095 ca mắc sốt xuất huyết, tăng nhẹ so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến ngày 13/08, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 52.957 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 15% và số ca tử vong giảm 10 ca. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết trên cả nước đã nâng lên con số 7 khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do bệnh sốt xuất huyết trong năm nay.

Bệnh nhân sinh năm 2013 xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục và mệt mỏi. Mặc dù đã được gia đình cho uống thuốc hạ sốt, nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Vào ngày 10/8, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Nhi Đức Tâm điều trị. Đến ngày 14/8, do bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ tư, rối loạn đông máu, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, dư cân. Ngày 15/8, bệnh diễn biến nặng và bệnh nhân đã tử vong lúc 13h30 cùng ngày. Cũng theo CDC tỉnh Đắk Lắk, trong hơn 1 tháng qua, số ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Đến ngày 15/8, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 1.453 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong. Đặc biệt, không chỉ số ca mắc gia tăng, mà nhiều trường hợp sốt xuất huyết tại tỉnh cũng đã chuyển nặng, có diễn biến phức tạp, xuất hiện biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao.

Tại TP Hà Nội, CDC Hà Nội nhận định số mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân. Cụ thể, trong tuần từ ngày 2 đến ngày 9/8, toàn thành phố ghi nhận 188 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện; trong đó một số địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng có 27 ca, Hà Đông 10 ca, Phúc Thọ 6 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.759 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Thực tế, không chỉ ở Đắk Lắk và Hà Nội, tại nhiều địa phương khác như Hải Phòng, Huế..., tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng với nhiều ổ dịch và “điểm nóng” về dịch bệnh. Trong tháng 7 và tháng 8, nhiều bệnh viện tại các địa phương đã tiếp nhận những ca sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Trước tình hình số ca tăng cao và bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Bộ Y tế huy động sự tham gia các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Tập trung đẩy mạnh các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tránh chủ quan, tự mua thuốc và truyền dịch tại nhà, vì điều này có thể xảy ra diễn biến khó lường, nguy hiểm, như bệnh nhân biến chứng nặng, nguy kịch, thậm chí tử vong. Việc phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ các vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời và cứu sống người bệnh.

Liên quan đến phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, mới đây tại Hội nghị Sơ kết hoạt động phòng, chống dịch bệnh 7 tháng năm 2024 và triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch những tháng cuối năm khu vực miền Trung, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhấn mạnh rằng hiện chỉ có một loại vaccine phòng sốt xuất huyết được cấp phép và chưa có kế hoạch đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà tài trợ là công ty sản xuất vaccine để xem xét khả năng hỗ trợ tiêm thí điểm tại một số tỉnh có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao. Sau khi có thêm các sản phẩm vaccine mới và giá thành giảm, Bộ Y tế sẽ xem xét việc đưa vaccine vào chương trình tiêm chủng mở rộng.