Phòng chống tham nhũng, lãng phí và 'lợi ích nhóm' trong đầu tư công

(PLVN) -  Ngày 24/10, tại Văn bản số 982/TTg-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về giải ngân vốn đầu tư công.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn bản cho biết, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chín tháng đầu năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh tính đặc thù của vốn đầu tư, đó là công tác thanh toán chỉ được đẩy mạnh thực hiện sau khi đã tích lũy được khối lượng thi công hoàn thành. Việc giải ngân chậm do nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, thời gian giải ngân không còn nhiều, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia những tháng còn lại của năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2023; coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022…

Để bảo đảm được tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án, đặc biệt là các dự án thuộc đối tượng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, cần phải nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công. Do đó, cần tập trung một số giải pháp chủ yếu như tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải bám sát các mục tiêu, căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu, trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án; lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và “lợi ích nhóm” trong đầu tư công…

Đọc thêm