Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Không để "nén bạc đâm toạc công lý" Doanh nghiệp không cho thì rất khó để xin

(PLVN) -“Một người bán, vạn người mua” mà “mẩu bánh” lại rất khó chia cho nhiều người nên chuyện không ít doanh nghiệp khi tiếp cận dự án, gói thầu bị gây khó, chèn ép và phải chấp nhận “chi”, chấp nhận “lại quả”… là một thực tế. Tất nhiên đó chỉ là “khúc dạo đầu” khi “mới quen”, còn khi đã quen rồi thì “cứ thế mà làm”, miễn phải tròn trách nhiệm của cái gọi là… “sân sau”.
Ảnh minh họa (Ảnh:Báo tuổi trẻ).
Ảnh minh họa (Ảnh:Báo tuổi trẻ).

Quan hệ “móc nối” chặt chẽ

Có thể nói, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi là điểm khởi nguồn của nạn tham nhũng, tiêu cực, đưa và nhận hối lộ. Ở bất kỳ thể chế nào, một khi người có chức, có quyền bị vấy bẩn bởi “vết đen” này thì dù “chiếc áo nhà quan” có rộng đến mấy, bền đến mấy cũng dễ bị xuyên thủng bởi những “viên đạn bọc đường”. Nếu ví hành vi đưa hối lộ là “trứng”, còn nhận hối lộ là “vịt” thì ai “đẻ” ra ai? Nói một cách khác, hành vi đưa hối lộ là tác nhân chính hình thành nên tội nhận hối lộ và ngược lại, sự tha hóa, trục lợi bất chính từ quyền lực là cơ sở để việc đưa hối lộ có “đất sống”.

Cơ chế “xin - cho” là vấn nạn nhức nhối nhưng nó lại được không ít nơi, ít người thừa nhận như một cách vận hành.

Đề cập đến vấn đề này, doanh nhân T.C.T - chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh hóa chất ở tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Không “bôi trơn” thì không bao giờ xong việc, bởi “cán bộ” có muôn vàn cách để “ngâm” hồ sơ mà không giải thích rõ quy trình, hoặc họ cố tình bắt lỗi doanh nghiệp, thậm chí đặt ra những yêu cầu sai quy định… Gặp những tình huống như thế này, doanh nghiệp chỉ có hai con đường để lựa chọn, hoặc là từ bỏ, hoặc chấp nhận chi tiền để việc kinh doanh, sản xuất được thuận lợi. Tuy nhiên, dù con đường nào thì đó cũng là sự lựa chọn bất đắc dĩ. Trong hạch toán kinh doanh, chắc chắn không một doanh nghiệp nào muốn bỏ tiền ra để đi xin, bởi làm thế vừa gánh thêm khoản chi phí rất lớn, có khi còn lớn hơn chi phí cho cả dây chuyền sản xuất, lại vừa đối mặt với rủi ro, biến mình thành tội phạm bất kỳ lúc nào”.

“Ở khu vực kinh tế hộ gia đình nói chung, mô hình quản trị thường rất sơ khai, thiếu minh bạch và đó là “mảnh đất màu mỡ” cho “tham nhũng vặt”. Do đó, việc chuẩn hoá, minh bạch hoá, đưa các hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp với tư cách là một đối tượng điều chỉnh sẽ giúp nâng cấp khu vực này. Điều này sẽ góp phần giải quyết gốc rễ của nạn “tham nhũng vặt” và xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính cho tất cả doanh nghiệp, từ doanh nghiệp lớn tới vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đây là công cụ rất tốt trong việc phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị còn ở mức sơ khai thì việc ứng dụng bộ công cụ kinh doanh liêm chính phù hợp trở nên vô cùng quan trọng để loại trừ nạn tham nhũng trong cộng đồng doanh nghiệp”.

TS.Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Doanh nghiệp này cũng phân trần thêm: Đừng vội đổ hết tội cho doanh nghiệp khi họ bỏ tiền… “mua”. Nếu không có tác động từ những cá nhân suy thoái, biến chất thì làm gì có cơ hội để “đút lót”, “quà cáp”.

“Tôi có người bạn xuất khẩu cá sang thị trường nước ngoài. Trong một chuyến hàng, cá của anh đăng ký loại I, nhưng khi cơ quan chức năng nước bạn kiểm định chỉ đạt loại II và họ yêu cầu chủ hàng phải quay về làm lại từ đầu. Mặc dù đã vận dụng mọi cách nhưng cuối cùng hàng vẫn phải quay đầu, bởi luật lệ và quy trình của họ rất chặt chẽ, minh bạch. Trong trường hợp này nếu anh tiếp tục “rút phong bì” thì sẽ ngay lập tức “rước họa vào thân” bởi cuộc chơi sòng phẳng, minh bạch thì làm sao có thể “đi đêm?”.

Ông T.H.H - chủ một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn lạnh ở Nghệ An thì bày tỏ: “Chúng tôi phải chăm lo cho “các vị” còn hơn cả bố mẹ, người thân của mình. Bên cạnh khoản đóng “hụi chết”, vào những ngày lễ, Tết hay giỗ chạp, cưới xin, chúng tôi luôn phải có mặt để phục vụ. Thậm chí nhiều cơ quan đi du lịch cũng gọi điện đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ…”.

Ông N.X.T - Giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi liên tục phải tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra. Có những lần, họ yêu cầu cả việc không liên quan. Có cán bộ còn chủ động gợi ý, doanh nghiệp phải chi phí tiền đi đường, tiền ăn trưa… Thật sự, doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác. Nếu không “bôi trơn” thì sẽ bị “kẹt” ngay!”.

Tất nhiên cũng không thể đánh đồng, “vơ đũa cả nắm” song chính sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận người có chức, có quyền đã là môi trường để cơ chế “xin - cho” vẫn hoành hành.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp liêm chính

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: Việc phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh tế, tài chính và thương mại, nhất là trong xu thế hội nhập thương mại quốc tế hiện nay.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp.

Theo luật sư Thiệp, có rất nhiều biện pháp góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, trong đó việc ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng là điều kiện tiên quyết. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước diễn ra thường xuyên, ở nhiều phương diện và cấp độ khác nhau. Trong mối quan hệ này doanh nghiệp thường là bên bị phụ thuộc. Xét về khía cạnh nào đó thì các doanh nghiệp là nạn nhân của sự “tha hóa” quyền lực của một số cán bộ, công chức.

Để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực xảy ra giữa doanh nghiệp và một bộ phận quản lý Nhà nước, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, trước tiên cần loại bỏ cơ chế “xin - cho” ra khỏi hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước; Đẩy mạnh “số hóa” trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, thông qua đó cải tiến các thủ tục đăng ký, kê khai, cấp duyệt… bằng biện pháp trực tuyến, từ đó loại bỏ mọi sự nhũng nhiễu tại các cơ quan này. Bên cạnh đó, cần quy định thêm các chế tài xử phạt rõ ràng nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng. Việc thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng cần phải được tiến hành kịp thời để ngăn chặn, loại trừ những mầm mống tham nhũng trong doanh nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc.

TS.Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chỉ ra: Tham nhũng đã trực tiếp tàn phá môi trường kinh doanh, khiến việc sử dụng nguồn lực, ngân sách công kém hiệu quả, ảnh hưởng đến niềm tin của các đối tác liên quan. Do đó, cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.

TS.Vũ Tiến Lộc cho rằng: Hoạt động quản trị doanh nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng bản sắc riêng tạo thành văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, việc cam kết về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và thực hành liêm chính phải được coi là những giá trị cốt lõi. Kinh doanh có trách nhiệm, thực hành liêm chính và phát triển bền vững không chỉ là những giá trị đạo đức mà còn là những giá trị thị trường, là nền tảng của năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin, phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để doanh nghiệp cùng các cơ quan chuyên trách đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan truyền thông để hành vi tham nhũng khó có thể phát sinh và tồn tại…

Khảo sát PCI 2022 cho thấy, khoảng 42,6% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức, giảm khoảng 23 điểm phần trăm so với kết quả trong khảo sát PCI 2016. Tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022. Hiện tượng này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

(Trích Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố).

Đọc thêm