Cảnh báo “căn bệnh” sợ trách nhiệm
Thời gian qua, hiện tượng cán bộ, đảng viên sợ sai, né tránh, làm cầm chừng… diễn ra khá rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thẳng thắn cho rằng, đây là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bởi đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm các quy định theo nghị quyết của Đảng, trước hết là Nghị quyết 04-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những biểu hiện này cũng vi phạm các quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức.
“Phải khẳng định như vậy và có thái độ rất rõ ràng về biểu hiện này. Chúng ta không thể bênh che với các biểu hiện này trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn. Tình trạng như vậy làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; làm giảm niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước” - Bộ trưởng Nội vụ nói.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh, phải xóa bỏ nhận thức của một bộ phận công chức là “không làm thì không sai”; “thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”… Đây là nhận thức rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn tới chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết phải vượt lên khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ.
Đề cập đến nguyên nhân của “căn bệnh” sợ trách nhiệm, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rất cụ thể: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”. Theo Bác, “ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”.
Cách đây 50 năm, trong bài viết có tiêu đề “Bệnh sợ trách nhiệm”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11/1973, dưới bút danh Người xây dựng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ thực trạng nhức nhối này: Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên ta còn có những đồng chí sợ trách nhiệm…
Biểu hiện của “bệnh” sợ trách nhiệm là: Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ... Hậu quả của “bệnh” sợ trách nhiệm làm trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, “dậm chân tại chỗ”, làm cho những nhân tố mới không phát huy được…
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tính nghiêm trọng của vấn đề: Dư luận bức xúc, lo lắng trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm.
Trên cơ sở này, người đứng đầu Đảng ta yêu cầu phải “đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh PCTN,TC quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo; những biểu hiện làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương để làm gương, tạo sự cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa chung.
“Tôi đã nói nhiều lần rồi, nay vẫn xin nhắc lại: “Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm””, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tại Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính diễn ra ngày 19/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo - yêu cầu cần chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương. Dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác. “Nếu cần thiết thì có các biện pháp xử lý cán bộ phù hợp; đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; vừa khắc phục, xử lý các mặt yếu kém, vừa thúc đẩy mặt tích cực”, Thủ tướng nêu rõ.
Phải có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Thực tiễn cách mạng đã chứng minh, những thành tựu đáng tự hào mà đất nước ta đạt được ngày nay có công lao không nhỏ của những cán bộ, đảng viên có tư duy sáng tạo, vượt lên trước và sự dũng cảm, dám chịu trách nhiệm. Có thể kể đến một kỳ tích lịch sử của ngành Điện lực Việt Nam là đường dây 500kV Bắc - Nam được Đảng, Nhà nước quyết định chủ trương xây dựng vào năm 1992. Điều đáng nói trước đó, đề án đã gặp không ít rào cản và đặc biệt là tâm lý sợ trách nhiệm nếu đề án không thành công.
Việc xây dựng đường dây truyền tải điện này có thời gian thi công trong vòng hai năm - một mốc thời gian dường như “không tưởng”, là thách thức lớn đối với ngành năng lượng lúc đó. Bởi vậy, công trình có lẽ đã không thể về đích trong thời gian nhanh kỷ lục nếu không có sự tiền phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Câu nói: “Nếu đóng điện không thành công thì xin từ chức” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nay đã đi vào lịch sử.
|
Công trình đường dây 500kV Bắc - Nam có lẽ khó về đích trong thời gian nhanh kỷ lục nếu không có sự tiền phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. (Ảnh: Tư liệu) |
Một điển hình khác có thể kể đến là cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Vào thời điểm những năm 1966 - 1967, khi nông thôn miền Bắc đều áp dụng mô hình hợp tác xã, ông Kim Ngọc đã có quyết định táo bạo là giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân. PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng, ở ông Kim Ngọc có ba điểm rất nổi bật. Một là, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, của địa phương, ông thoát khỏi giáo điều, thoát khỏi sự trì trệ để năng động, sáng tạo. Thứ hai là tinh thần vì dân, thương dân. Thứ ba là trách nhiệm đối với quê hương, với Đảng bộ, với công việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với cấp trên.
Như vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, cũng cần một hành lang pháp lý đầy đủ để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám năng động, dám sáng tạo, “đi trước đón đầu” vì lợi ích chung của tổ chức, của đất nước. Theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung là chủ trương rất lớn của Đảng. Tuy nhiên, giữa chủ trương đến thực hiện sẽ còn khoảng cách, điều quan trọng nhất là phải bảo vệ được người tốt.
“Bản thân người tốt thì làm cái gì cũng với cái tâm sáng nên mọi thứ đều sẽ đúng và hiệu quả. Người tốt thì bao giờ cũng gắn với trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng, trong môi trường này, chúng ta bảo vệ người tốt bằng cách bảo đảm hệ thống pháp luật đầy đủ, công bằng; công - tội, thưởng - phạt công minh. Người sai, người có tội thì phải xử lý, còn người có công thì chúng ta phải khen, phải nhân rộng”, ông An nói.
Trả lời Báo PLVN, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, có ba nhóm cán bộ được coi là né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Nhóm thứ nhất là không biết gì, vì không biết gì cho nên không dám làm gì. Nhóm thứ hai là không làm gì vì không có lợi cho bản thân, cho “lợi ích nhóm”. Nhóm thứ ba tuy có biết nhưng sợ hãi do PCTN,TC làm quá mạnh, sợ bị sai, sợ bị “dính” vào lao lý. Ông Lê Thanh Vân cho rằng, cả ba nhóm trên đều phải thay thế, thậm chí là bị xử lý. Việc “anh” không hành động, không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao là không thực hiện công việc mà Nhà nước, nhân dân ủy thác, dẫn đến những hậu quả là bộ máy trì trệ, để vuột qua những cơ hội giúp cho kinh tế - xã hội phát triển.
Làm được như vậy, theo ông Vân sẽ có tác dụng rất lớn. Thứ nhất là “xốc” lại đội hình, thay thế bằng những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng ngồi vào vị trí lãnh đạo, điều hành, quản lý hệ thống, tạo ra cộng hưởng chung của cả một hệ thống vận hành thông suốt. Có như vậy thì diện mạo kinh tế - xã hội mới thực sự chuyển động tích cực. Thứ hai, làm mạnh như thế là bằng chứng khẳng định Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung đã đi vào cuộc sống. Tác dụng thứ ba là “kích hoạt” niềm tin của nhân dân, cộng hưởng với Đảng, Nhà nước cùng toàn xã hội trở thành một phong trào rộng khắp, vực dậy kinh tế - xã hội; làm cho diện mạo phát triển của đất nước bước sang một trang mới.
“Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng đã có đủ, vấn đề là tổ chức triển khai. Việc tổ chức triển khai liên quan đến hệ thống nào thì hệ thống đó phải có thể chế cụ thể. Ví dụ, hệ thống Đảng phải có những quy định cụ thể để xử lý cán bộ chây ỳ và bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Về phía Nhà nước, phải thể chế hóa bằng pháp luật. Có thể Quốc hội chưa ban hành một đạo luật nhưng ban hành một nghị quyết, Chính phủ có thể ban hành nghị định để cụ thể hóa tinh thần của Đảng, làm công cụ pháp lý vững chắc cho các tập thể, cá nhân có thẩm quyền xử lý ngay những cán bộ đứng đầu các cấp sợ trách nhiệm, chây ỳ không dám làm” - ông Lê Thanh Vân nói.
Việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung sẽ giúp khơi thông được nguồn lực; đồng thời, chủ trương này cũng sẽ là “tấm khiên”, “lá chắn” để bảo vệ cán bộ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.
Chủ tịch UBND TP HCM: Sẽ thay thế những cán bộ e dè, sợ trách nhiệm
Chủ trì buổi họp báo thông tin dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, diễn ra ngày 18/5/2023, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP đã có sự chủ động về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Với bộ phận cán bộ e dè, ngại trách nhiệm thì Thành ủy, UBND TP cũng đã có các biện pháp nhắc nhở, phê bình và các biện pháp hành chính nhất định. Cùng với đó là động viên, thực hiện công tác tư tưởng chính trị để đội ngũ này trở lại tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Sau các biện pháp hành chính có, động viên có, khuyến khích có mà vẫn còn cán bộ e dè, ngại trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm… thì buộc phải đưa ra khỏi hệ thống chính trị, đứng sang một bên để người khác thay thế làm việc.