Phòng, chống tham nhũng từ gốc: Kỳ 1 - Mệnh lệnh: Không vùng cấm, không ngoại lệ

(PLVN) - LTS: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai vấn đề này liên quan mật thiết đến nhau; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC, diễn ra ngày 10-5-2023. Ảnh Noichinh.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC, diễn ra ngày 10-5-2023. Ảnh Noichinh.vn

Trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến các quan chức cấp cao đã được Đảng và Nhà nước ta xử lý một cách nghiêm khắc trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Tinh thần này kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi hơn 70 năm trước, Người từng yêu cầu “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Xử lý vài người để cứu muôn người

Trong lịch sử Đảng ta, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh luôn được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định sự tồn vong của chế độ. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Gần đây, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa thẳng thắn chia sẻ những lo ngại về chất lượng đảng viên, về sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng theo phương châm mà Lênin từng nhấn mạnh: “Thà ít mà tốt”, “Những đảng viên hữu danh vô thực thì có cho không, chúng ta cũng không lấy”.

Nhắc lại câu nói của Lênin vào thời điểm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta luôn cần những đảng viên gương mẫu, đầu tàu, nhiệt huyết, làm gương sáng cho quần chúng noi theo, chứ không cần những đảng viên “mũ ni che tai”, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Đồng thời, cũng cảnh báo rằng, sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra ở tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương, trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vậy, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì Đảng phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Cùng với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta có thêm Quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, tập trung vào hai nhóm vấn đề: Nhóm quy định về những hành vi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nhóm quy định về những việc làm sai trái trong công tác cán bộ.

Những quy định này được ví như “biệt dược” giúp chúng ta phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên không được dính líu gì với vòng danh lợi, bởi vì cán bộ cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Nhưng “dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”. Vì thế, để thi hành một nền chính trị liêm khiết, Bác yêu cầu “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Khi xảy ra vụ án Trần Dụ Châu, dù rất đau lòng, Bác vẫn dứt khoát: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Thời điểm ấy, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra vô cùng cam go, thương binh thiếu thuốc men, bông băng; chiến sỹ võ vàng vì đói rét… Trong khi đó, Trần Dụ Châu (nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu) đã lạm dụng quyền lực để giở trò ăn cắp công quỹ, cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội, Châu ăn bớt 2 tấc vải xô; còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, khiến các chiến sĩ mặc không đủ ấm, trong khi mùa đông ở chiến khu Việt Bắc rất khắc nghiệt. Với lối sống ngạo mạn, trác táng nhờ vào những đồng tiền nhận hối lộ, tham ô, Trần Dụ Châu đã phản bội lại lòng tin của Đảng, của Bác, quân đội và nhân dân…

Vào năm 1950, Trần Dụ Châu bị Tòa án binh tối cao tuyên phạt tử hình về tội “Biển thủ công quỹ, Nhận hối lộ, Phá hoại công cuộc kháng chiến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng Người quyết định bác đơn xin ân giảm của tử tù Trần Dụ Châu với quan điểm: “Nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.

Xã luận Báo Cứu quốc ngày 27/9/1950 có đoạn viết: “Trong tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt hiện nay, vụ án Trần Dụ Châu có một ý nghĩa lớn lao... Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa. Vụ án này còn làm vui lòng tất cả những cán bộ quân nhu ngay thẳng, chí công vô tư, đã không để Trần Dụ Châu lôi cuốn”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. (Ảnh: Phạm Cường)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. (Ảnh: Phạm Cường)

Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực

Với tinh thần “không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa”, thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã xử lý hàng loạt quan chức cấp cao, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư... theo đúng phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Cách đây gần 6 năm, liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến với số tiền giao dịch lên tới hàng nghìn tỉ đồng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, nhiều tướng Công an đã bị xử lý hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Với sự “bảo kê”, tiếp tay của Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa, cựu Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trong thời gian ngắn, đường dây đánh bạc qua mạng internet đã thu lợi bất chính gần 10.000 tỉ đồng.

Ông Phan Văn Vĩnh từng được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; còn ông Nguyễn Thanh Hóa, trong quá trình công tác cũng có nhiều thành tích, được tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen… Tuy nhiên, khi có quyền lực trong tay, các ông đã không biết tu dưỡng, rèn luyện, quên Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (CAND), làm trái công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Mới đây nhất, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tước danh hiệu CAND đối với ba công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức vì đã có hành vi dùng súng hơi bắn chết 2 con dê của người dân trên địa bàn (vào ngày 26/6/2023) rồi cho vào cốp xe ôtô mang về. Một ngày sau đó (27/6), Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Trộm cắp tài sản”; quyết định tạm giữ hình sự đối với ba đối tượng này để tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, Bác yêu cầu mỗi người chiến sĩ công an “đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”; nhưng trong trường hợp này, ba công an thị trấn Đại Nghĩa lại đi ăn trộm tài sản của dân, vô hình trung đã “đánh cắp” niềm tin yêu của nhân dân, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an luôn “vì nhân dân phục vụ”. Việc làm trên thể hiện sự thoái hóa, biến chất, thiếu tu dưỡng về nhân cách, đạo đức, nhất là khi những cán bộ này lại ở trong lực lượng được ví như “thanh bảo kiếm” của Đảng trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC)… Không phải ngẫu nhiên mà trong Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, Bác đặt đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” lên hàng đầu, bởi theo Bác, chiến thắng bản thân mới là chiến thắng quan trọng nhất. Cán bộ, đảng viên - nhất là những người có chức vụ, quyền hạn - nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân thì sẽ nảy sinh bao hậu họa.

“Chủ nghĩa cá nhân nằm ngay trong chính mỗi con người, là “kẻ địch ở trong lòng”. Đóng vai trò quyết định trong chống chủ nghĩa cá nhân là nội lực của mỗi con người được bảo đảm bằng nền tảng đạo đức, đủ sức làm chủ bản thân, kiểm soát được ham muốn, cám dỗ, khiến hành vi không vượt qua lằn ranh của pháp luật và đạo đức xã hội; dùng lý trí chế ước cảm xúc, dùng lương tri tự “thẩm định” cái được làm và cái không được làm, tự “phán xử” chính mình khi vấp phải khuyết điểm dù nhỏ nhất” - Thường trực Ban Bí thư (nay là Chủ tịch nước) Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (tháng 5/2022).

Rõ ràng, khi người cán bộ, đảng viên quên đi lời thề dưới cờ Đảng thì tất yếu sẽ gây ra bao hệ lụy cho Đảng, cho cách mạng. Trong buổi gặp mặt đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc vào năm 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không giấu được xúc động nói: “Tôi muốn tâm sự với các đồng chí từ tận đáy lòng mình, cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, có những người có thiếu thốn gì đâu, nhưng sao tham thế, chưa làm cái gì đã nghĩ đến “chấm mút” rồi. Nói nhỏ là “chấm mút”, nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên nữa, dân coi thường… Cho nên, rất mong các đồng chí gương mẫu, đi đầu, tiên phong và hy vọng các đồng chí ngồi đây, có nhiều người sau này sẽ vào Ban Chấp hành Trung ương, mà quy luật là phải thế. Nhưng không phải vào Trung ương cho oai hay để kiếm chác cái gì, vào Trung ương là để hy sinh, phấn đấu, rèn luyện, là để cống hiến cho Đảng ta vững mạnh hơn”.

Những điều căn dặn của Tổng Bí thư thật ý nghĩa. Bởi trên thực tế, có rất nhiều cán bộ có chức quyền, nhà cửa khang trang, không thiếu thứ gì, chỉ thiếu mỗi chữ “liêm”. Vì không có “liêm” nên đã nổi lòng tham, để rồi lúc bị bắt, bị khởi tố thì thân bại danh liệt, không những tiền bạc mất đi mà danh dự và sự kính trọng của đồng nghiệp, bạn bè… cũng chẳng còn.

Đối với những sai phạm tại Công ty Việt Á, điều đau xót là nhiều bị can trong vụ án nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, từng giữ vị trí, trọng trách cao trong bộ máy nhà nước, như ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) lại bị “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm…” như nhận định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Xử lý cả trách nhiệm người đứng đầu không sâu sát, để cấp dưới vi phạm

Thông tin với cử tri tại Hội nghị tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng, diễn ra vào ngày 28/6 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, trước đây chỉ xử lý những người trực tiếp có liên quan đến việc tham nhũng, thất thoát tài sản của Nhà nước, tập thể; nhưng hiện nay các cơ quan, ban, ngành sẽ xử lý cả trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý không sâu sát, chặt chẽ để cấp dưới vi phạm, gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, mất niềm tin của nhân dân.

Nhắc lại câu nói: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi; sâu chỗ nào, dột chỗ nào thì xử lý chỗ đó”, Chủ tịch nước nêu rõ, việc này trong thời gian qua diễn ra đúng như vậy, thậm chí được làm mạnh mẽ, quyết liệt và sâu sắc hơn. Việc chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng, Nhà nước kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao trên cả bình diện Trung ương cũng như địa phương với tư tưởng: “Không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.

Hay như vụ án liên quan đến chuyến bay giải cứu, nhiều bị can trong vụ án đều là những người có chức vụ, quyền hạn lại đang tâm trục lợi trên nỗi thống khổ của người dân giữa lúc đất nước đang trong cảnh “nước sôi, lửa bỏng” vì dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Từ một chủ trương nhân đạo và đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các “chuyến bay giải cứu” đã bị các cán bộ biến chất lợi dụng chức vụ để trục lợi với số tiền “bỏ túi” cá nhân rất lớn. Các bị can này bị điều tra, khởi tố về nhiều tội danh khác nhau; riêng tại Bộ Ngoại giao, phần lớn bị các can bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”, trong đó có ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và bà Nguyễn Thị Lan Hương, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự. Liên quan đến các sai phạm, tiêu cực này còn có một loạt cựu cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ, cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại nhiều quốc gia.

Sai phạm của các tổ chức và cá nhân nói trên được ví như tội ác và không gì có thể biện minh, dung thứ cho những hành động vô lương tâm, chà đạp lên đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và pháp luật. Những vụ án này cho thấy sự xuống cấp trầm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thực hành công vụ.

Nhiều nạn nhân trong vụ án đã phải chịu đau tới hai lần: đau bởi sự nghiệt ngã, mất mát của dịch bệnh COVID-19 và đau vì mất niềm tin, mất tiền oan ức cho những cán bộ thoái hóa. Nhưng cái đau lớn nhất trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực, chính là sự suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; là sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đó mới là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đấu tranh không dừng, không nghỉ

Để bảo vệ chế độ, lấy lại niềm tin yêu, quý trọng của nhân dân, không có cách nào khác là sự cương quyết, kịp thời, công khai, minh bạch trong việc xử lý các hành vi vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật… Sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng minh cho điều đó. Nhờ vậy, công cuộc đấu tranh PCTN,TC đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, trên tinh thần “không dừng, không nghỉ”.

Vừa qua, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC (Ban Chỉ đạo) diễn ra ngày 10/5/2023, báo cáo tại cuộc họp cho thấy, từ sau Phiên họp thứ 23 (tháng 1/2023) đến nay, công tác PCTN,TC tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến mới, tích cực, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý cả các hành vi tham nhũng và các hành vi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Suy thoái tư tưởng chính trị là cái gốc của tham nhũng

Ngày 10/9/2021, phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. “Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân…

Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND cấp tỉnh, 2 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang... Những kết quả nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh PCTN,TC, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Người đứng đầu Đảng ta cũng nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

Đọc thêm