Phòng, chống tham nhũng từ gốc (Kỳ cuối): Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất

(PLVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, không còn đạo đức thanh liêm thì sẽ đánh mất uy tín với nhân dân. Bởi vậy, người cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện bản lĩnh trước mọi cám dỗ, kiểm soát ham muốn, đề cao danh dự, bởi danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở, phải nỗ lực hơn nữa để làm sao xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất đó là danh dự. (Ảnh Hiếu Minh - VOV)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở, phải nỗ lực hơn nữa để làm sao xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất đó là danh dự. (Ảnh Hiếu Minh - VOV)

Những bài học sâu sắc

Danh dự là một trong những phẩm chất cao quý của mỗi người. Theo V.I. Lênin, lý tưởng đạo đức cao quý nhất của người cộng sản, của đạo đức cộng sản luôn gắn bó với lý tưởng chính trị, là động lực thúc đẩy lý tưởng chính trị trở thành hiện thực cách mạng XHCN. Lênin cũng lưu ý rằng, mỗi cán bộ, đảng viên nếu không tự bôi nhọ đạo đức, thanh danh của mình thì không ai có thể hạ thấp được uy tín của họ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên căn dặn, đạo đức là cái “gốc” của mỗi người cách mạng. Ngay từ năm 1927, khi mở đầu tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác đã viết: “Tự mình phải cần kiệm, vị công vong tư, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững”. Người cũng cho rằng: “Trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; đất có bốn phương đông, tây, nam, bắc; người có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời; thiếu một phương thì không thành đất; thiếu một đức thì không thành người”. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Những lời răn dạy trên đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có một lý tưởng cao đẹp, một đức tính thanh liêm, một tinh thần “dĩ công vi thượng”. Người trọng danh dự sẽ luôn biết hành xử sao cho xứng với danh vị, chức tước của mình, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng để bảo vệ lý tưởng cao đẹp. Danh dự mới là “tiếng thơm để mãi mai sau”, là phẩm chất nói lên giá trị, khí chất của mỗi con người.

Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Khi rơi vào tay giặc Pháp, mặc dù người Pháp ra sức đem chức tước để dụ dỗ, mua chuộc, nhưng chúng cũng chỉ nhận được câu trả lời dứt khoát của ông: “Tôi chỉ muốn làm một chức thôi, đó là chức gì mà có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây xâm lược”. Cuối cùng, giặc Pháp đưa ông ra pháp trường hành hình. Lời nói lẫm liệt bất hủ cuối cùng của ông: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” đã bất tử trong lòng dân tộc.

Hay như câu chuyện của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, sau khi kế hoạch ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc-Na-ma-ra bị lộ, anh bị bắt. Tại nhà tù Chí Hòa - Sài Gòn, khi địch dùng đủ cực hình tra tấn, dụ dỗ nhưng anh kiên quyết không phản bội lại lý tưởng của mình, anh chỉ trả lời câu duy nhất: “Tôi giết bọn cướp nước thì dù nguy hiểm, thương tật hay hy sinh, tôi cũng vui lòng. Tôi không thể sống như bọn tay sai mong được an thân để làm hại đồng bào”.

Ngày nay, trước xu thế hội nhập sâu rộng và yêu cầu của công cuộc đổi mới; trước những cạm bẫy, cám dỗ vật chất, quyền lực ngày càng tinh vi, phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mong muốn mọi cán bộ, đảng viên phải kiên định lập trường, tư tưởng; phải làm sao để xứng đáng với Đảng, với nhân dân, giữ bằng được điều thiêng liêng nhất đó là danh dự của người đảng viên Cộng sản. Nếu đánh mất liêm sỉ thì không chỉ cá nhân đó “thân bại danh liệt”, mà lớn hơn là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới việc Ban Chấp hành (BCH) Trung ương xem xét thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cách chức Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho thôi giữ chức Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XII vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Người đứng đầu Đảng ta cho rằng đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với ông Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta. Đồng thời đề nghị từng ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay “nhúng chàm” (và nếu đã trót ít nhiều “nhúng chàm” rồi thì sớm tự giác gột rửa).

Muốn lãnh đạo người khác, phải cải tạo lòng mình

Người lãnh đạo suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không chỉ đánh mất thanh danh của cá nhân, đơn vị, địa phương mình phụ trách mà còn góp phần làm trầm trọng tệ tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước ta đang quyết liệt đẩy mạnh. Bởi vậy, những ai bất chấp liêm sỉ, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, phải xử lý thật nghiêm để làm gương.

“Ai chả thích của, thích tiền. Nhưng tôi nói rồi, danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất. Chết cũng không mang tiền theo được”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh, đồng thời khẳng định đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Chúng ta mới chỉ hạn chế, ngăn ngừa được một bước. Còn tiền, còn chức, còn quyền, nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì sẽ khó tránh khỏi cám dỗ… Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ năm, BCH Trung ương Đảng khóa XIII, đề cập đến vấn đề xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu từng đảng viên phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống... Chỉ có như vậy thì tổ chức đảng và đảng viên mới thật sự trong sạch, vững mạnh, có uy tín với quần chúng nhân dân. Muốn lãnh đạo người khác thì phải lãnh đạo chính mình, cải tạo lòng mình; bảo đảm mọi lời nói, việc làm của mình đều đúng đắn thì nhất định sẽ có uy tín để lãnh đạo người khác.

Có thể nói, chưa bao giờ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng đặt ra hệ trọng như lúc này, vì nó đụng chạm đến cả vấn đề sinh mệnh của Đảng và tồn vong của chế độ. Nhưng dù khó khăn đến mấy cũng phải làm và làm cho bằng được, bởi “non cao vẫn có đường trèo/đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi”. Tinh thần là thế và chúng ta phải phát huy mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả cao hơn nữa, xét đến cùng cũng là đề cao trách nhiệm trước nhân dân, để Đảng ta xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”.

Tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị - những cán bộ nòng cốt, hạt nhân của Đảng phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta đã xúc động trích dẫn câu nói rất sâu sắc của nhân vật Pavel Korchagin trong truyện “Thép đã tôi thế đấy”:

“Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để trước khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”...

Đọc thêm