Phòng, chống tội phạm: Phải lấy gia đình làm nền tảng

(PLO) - Trước thực tế nhiều tội phạm “giết người không ghê tay” do gia đình lơ là, không quan tâm đến con cái, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị phải tăng cường công tác giáo dục truyền thống trong từng gia đình, lấy gia đình làm nền tảng phòng ngừa các loại tội phạm.
Phòng, chống tội phạm: Phải lấy gia đình làm nền tảng
Chiều 14/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 6 tháng đầu năm về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm. 
Sáu tháng đầu năm, tình hình tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội đã được kiềm chế, số vụ phạm pháp hình sự giảm 3,32% so với cùng kỳ.  Dù vậy, tính chất tội phạm còn nghiêm trọng, hành vi phạm tội manh động, bạo lực, côn đồ, liều lĩnh hơn. Tình hình tội phạm nói chung giảm, nhưng một số lĩnh vực vẫn diễn biến phức tạp.
Phải lấy gia đình làm nền tảng phòng ngừa tội phạm
Đánh giá chung về tình hình an ninh trật tự, phòng chống tội phạm (PCTP) 6 tháng đầu năm cho thấy, công tác phòng ngừa tội phạm xã hội vẫn còn là khâu yếu. Nhận thức trong từng gia đình, địa bàn còn lơ là trong việc giáo dục, răn đe đạo đức làm người cho con em mình. 
Nhiều nơi phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được quan tâm đúng mức. Quản lý địa bàn còn nhiều sơ hở. Tình trạng tham nhũng của một số cán bộ đảng viên, lực lượng chức năng còn phức tạp. 
Đáng lo ngại là tình trạng các nhóm thanh niên côn đồ liên kết với nhau, khi có mâu thuẫn, va chạm sẵn sàng tụ tập “dàn trận” đâm chém, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng ở một số tỉnh, thành phía Nam. Trước tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, rất nhiều giải pháp được đại diện các địa phương, ban, ngành đưa ra để đấu tranh với các loại tội phạm. 
Chỉ ra thực tế nhiều tội phạm “giết người không ghê tay” là do gia đình lơ là, không quan tâm đến con cái, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị tăng cường công tác giáo dục truyền thống trong từng gia đình, lấy gia đình làm nền tảng phòng ngừa các loại tội phạm; đồng thời cần có sự phối hợp kịp thời giữa các lực lượng chức năng để trấn áp tội phạm. 
Rút kinh nghiệm về sự phối hợp chưa chặt chẽ thời gian qua, đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng: Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm thì không phân biệt lực lượng nào mà phải phối hợp giữa các lực lượng, kể cả quân đội, công an mới truy quét được tội phạm.
Nhấn mạnh hiệu quả phối hợp trong PCTP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Không chỉ khi xảy ra sự vụ mới cần phối hợp mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ những việc hàng ngày liên quan đến cuộc sống của người dân. Lực lượng của chúng ta rất mạnh, nhưng sẽ mạnh hơn nếu biết phối hợp”.
Nơi nào “dựa vào dân” sẽ ổn 
Đại diện nhiều địa phương đặc biệt lưu ý đến yếu tố “dựa vào dân” vì như nhận định của Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Hà Ngọc Chiến: “Kinh nghiệm cho thấy nơi nào cấp ủy quan tâm, dựa vào dân, nơi đó sẽ ổn”. 
Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chia sẻ kinh nghiệm, phát huy vai trò của các cấp, ngành MTTQ, các đoàn thể cũng như người dân trong việc nhận các thông tin về an ninh trật tự để có phương án xử lý mạnh mẽ đối với các loại tội phạm. Đặc biệt, nếu phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm sẽ xử lý thật nghiêm khắc.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy, dân mới là lực lượng quan trọng giúp các cơ quan chức năng có các tin báo tội phạm nên lực lượng chức năng phải dựa vào dân xử lý nhanh nguồn tin tố giác tội phạm, đồng thời tập trung xử lý vụ án giết người, xét xử lưu động đủ sức răn đe để tránh lặp lại những hành vi phạm tội trong xã hội.
Tán thành quan điểm “dựa vào dân để PCTP”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, “phải dựa vào “tai mắt” của quần chúng, chỉ có dựa vào sức dân, cuộc đấu tranh PCTP mới có kết quả vì PCTP không thể và không chỉ là nhiệm vụ của các lực lượng chức năng”. Cùng với đó, từng địa phương, tổ chức cần tìm ra và có giải  pháp khắc phục những bất cập của địa phương, ngành mình để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. 
Theo báo cáo của Bộ Công an, tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản tăng 6,3%; tội phạm trộm cắp tài sản vẫn diễn biến phức tạp (chiếm 44,25% tổng số vụ phạm pháp hình sự). Đặc biệt, tội phạm chống người thi hành công vụ tăng 0,59%; tội phạm về kinh tế, tham nhũng tiếp tục xảy ra trong nhiều lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản. Tình trạng vi phạm các quy định về xây dựng, an toàn lao động tại một số công trình trọng điểm ảnh hưởng đến tính mạng người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Đọc thêm