Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên

(PLVN) - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm

Ngày 10/3 tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, nhất là sau hơn 1 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy; từ đó, xác định nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với Báo cáo và các ý kiến tại hội nghị; đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, vận dụng linh hoạt, sáng tạo để triển khai công tác phòng, chống ma túy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ, phòng chống ma túy là nhiệm vụ nặng nề, cam go, nguy hiểm, nhưng cũng là nhiệm vụ quan trọng, vẻ vang với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, bởi “tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm”. Tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại.

Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm, đe dọa sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Nhận thức rõ mối hiểm họa này, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phòng, chống và kiểm soát ma túy; trong đó, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

Nhìn lại hơn 1 năm qua, chúng ta triển khai Luật Phòng, chống ma túy trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động sâu sắc của nhiều yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine.

Mặc dù vậy, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, lực lượng Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp các cấp, các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, vượt qua nhiều thách thức, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy với những kết quả nổi bật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, đóng góp; tri ân trước những cống hiến, hy sinh; nhiệt liệt chúc mừng những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, các lực lượng liên quan, các cấp, các ngành và nhân dân trong phòng chống tội phạm ma túy thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy thời gian qua và chỉ ra một số bài học kinh nghiệm.

Phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ cơ sở

Chia sẻ một số quan điểm để tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống ma túy thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về hiểm họa ma túy và vai trò của công tác phòng chống ma túy. Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.

Ma túy là hiểm họa của nhân loại, là vấn đề toàn cầu nên phòng chống ma túy phải có cách tiếp cận toàn cầu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Đây cũng là vấn đề toàn dân nên phải có những giải pháp toàn dân, phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân.

Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Phòng, chống tội phạm về ma túy phải “phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát; đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa; bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu”…

Cơ bản nhất trí với Báo cáo và ý kiến tại Hội nghị về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ về công tác phòng, chống ma túy. Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới và các quốc gia có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy.

Đẩy mạnh triển khai Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; trong đó Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn cân đối, bố trí kinh phí từ các nguồn phù hợp cho các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình theo đúng quy định và khả năng cân đối ngân sách; các cơ quan khẩn trương hoàn thành, phê duyệt các dự án đã được giao thuộc Chương trình.

Bộ Công an thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy; tập trung đấu tranh, triệt xóa các cơ sở, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn để họ không trở thành người nghiện và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ tuyến biên giới; phối hợp với lực lượng công an để phòng, chống ma túy từ xa, nhất là khu vực biên giới, trên biển.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao, nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là các hành vi mua bán, vận chuyển, lưu hành các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị lợi dụng để ma túy "núp bóng".

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức đánh giá hiệu quả các biện pháp cai nghiện, nhất là biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; sớm đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai…

Đọc thêm