Ảnh minh họa nguồn Internet |
“Quân xanh, quân đỏ” thông đồng "dìm giá"
Với thủ đoạn hết sức tinh vi, có sự tham gia của người bán đấu giá tài sản (BĐGTS) trong việc đặt ra các quy định, nội quy BĐGTS nên hầu hết người tham gia ĐGTS bị lừa và không mua được tài sản, thiệt hại của người có tài sản BĐG là rất lớn. Đây cũng là mặt trái của việc xã hội hóa BĐGTS.
Trong nhiều phiên BĐGTS đối với loại tài sản tịch thu để xử lý vi phạm hành chính, tài sản thi hành án, người BĐGTS cũng có thể sẽ chủ động bàn bạc với một số người thông đồng, dìm giá để “khoanh vùng”, “hạn chế”, “chọn lọc” đối tượng là “quân xanh, quân đỏ” tham gia đấu giá. Do đó, khi vào phiên đấu giá thì chỉ là sự “diễn kịch” của các “diễn viên quân xanh, quân đỏ”. Giá bán và người trúng đấu giá hoàn toàn theo kịch bản có sẵn được thống nhất giữa người BĐG và người tham gia đấu giá.
Ở nhiều trung tâm BĐGTS (đặc biệt là ở TP.HCM) còn có hiện tượng băng nhóm, “đầu gấu”, xã hội “đen” khống chế, đe dọa người tham gia ĐGTS. Thậm chí, giám đốc trung tâm BĐGTS đã phải nhờ Cơ quan Công an theo dõi, can thiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia đấu giá nhưng vẫn không thể giảm bớt được hiện tượng này. Ông Hùng cho rằng, “hậu quả của việc này làm giảm bớt người có nhu cầu tham gia đấu giá hoặc khống chế người tham gia đấu giá trả giá cao, chỉ cho phép người có nhu cầu mua tài sản đấu giá thực sự làm “quân xanh”…”
Đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Tư pháp đã phát hiện ra một hiện tưởng tưởng hãn hữu nhưng lại xảy ra tương đối nhiều và chủ yếu ở các phòng công chứng có uy tín lâu năm ở các thành phố lớn và “rơi” vào các công chứng viên dầy dạn kinh nghiệm. Đó là hiện tượng công chứng viên ký “chốt hạ” vào Hợp đồng BĐGTS trước khi phiên đấu giá kết thúc. Dù một phần do công chứng viên sơ suất thì cũng đã kịp gây ra nhiều phức tạp, rắc rối khi có người khiếu nại, yêu cầu hủy kết quả BĐG do “phiên đấu giá là giả tạo vì người trúng đấu giá đã được định sẵn trong hợp đồng đấu giá thành trước khi kết thúc phiên đấu giá”…
Trong thực tế thanh tra, có nhiều vụ việc người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản, hoàn thành mọi nghĩa vụ trong hợp đồng BĐGTS nhưng lại không được nhận tài sản. Có vụ việc gây bức xúc, căng thẳng đến mức người trúng đấu giá đòi mang bộc phá, bom đến phá trụ sở tổ chức BĐGTS...
Nguyên nhân chủ yếu là tài sản thi hành án dù đã được kê biên, định giá nhưng vẫn giao cho chủ sở hữu (là người phải THA) quản lý, sử dụng nên khi đấu giá xong thì người phải THA chống đối và rất nhiều lý do chưa thể cưỡng chế được nên thiệt thòi thuộc về người trúng đấu giá.
Ngăn chặn ngay từ lúc manh nha
Bức xúc trước tình trạng “la liệt” những tiêu cực làm ảnh hưởng đến hoạt động BĐGTS và quyền lợi chính đáng của những người tham gia ĐGTS, ông Hoàng Quốc Hùng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần “kiên quyết xử lý” bằng biện pháp như hủy bỏ kết quả đấu giá và buộc phải đấu giá lại, không để những kẻ lợi dụng hoạt động BĐGTS hưởng lợi bất chính... Đồng thời, có thể áp dụng những biện pháp kỹ thuật, công nghệ, như tổ chức bỏ phiếu kín nhiều vòng trong nhiều ngày, tổ chức bỏ phiếu qua bưu điện, tổ chức BĐGTS qua mạng.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể các biểu mẫu, sổ sách, báo cáo, quy trình bán đấu giá, xây dựng quy tắc đạo đức hành nghề cho đấu giá viên, thường xuyên tổ chức tập huấn, sơ kết, rút kinh nghiệm về mặt nghiệp vụ để giảm bớt và ngăn chặn các thủ đoạn nêu trên.
Huy Anh