Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ dịp hè cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa hè, trẻ được nghỉ học, vui chơi, nhưng cũng là thời điểm trẻ dễ bị thương tích do chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn và thiếu sự giám sát của gia đình, nhà trường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nhiều trẻ bị tai nạn thương tích nhập viện

Đối với các em nhỏ, mùa hè có lẽ là mùa tuyệt vời trong năm khi được nghỉ học, được đi tắm biển, đi bơi, dạo mát, về quê, tham gia vào các hoạt động ngoại khoá… Nhiều hoạt động hấp dẫn và mới lạ, nhưng bên cạnh đó là nỗi lo của các bậc phụ huynh về sự an toàn cho con khi vui chơi dịp hè.

Chị T.Hà (34 tuổi, Hà Nội) kể về lần thót tim của cả gia đình khi con trai chị nghịch ngợm trèo cây rồi bị ngã gãy chân. “Cháu được nghỉ hè nên tôi gửi cho ông bà ở nhà trông, bình thường cũng yên tâm vì ông bà quản cháu rất tốt. Thế mà hôm đấy tôi đang đi làm thì nhận được tin cháu vào cấp cứu. Hốt hoảng chạy vào viện thì cháu đã được bó bột xong. Ông bà chỉ bận việc lơ là một chút thôi mà cháu đã trèo lên cây, đến lúc bị ngã ông bà mới biết”, chị T.Hà kể lại.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, liên tiếp trong 2 tuần trở lại đây, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ bị tai nạn thương tích nhập viện như bị đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt… phải điều trị dài ngày, có trường hợp tổn thương nặng, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài. Gần đây là trường hợp bệnh nhi T.M (14 tuổi, ở Quảng Ninh) đi xe đạp điện đâm vào ô tô. Sau tai nạn, trẻ bất tỉnh, vào bệnh viện địa phương được chẩn đoán tràn máu màng ngoài tim/chấn thương tim, đa chấn thương, được các bác sĩ đặt nội khí quản, dẫn lưu màng tim và chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị. Sau mổ, bệnh nhi được chăm sóc tích cực tại khoa Điều trị tích cực Ngoại. Hiện tại, tình trạng bệnh của bệnh nhi đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi.

Theo BS CKII Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian này các em được nghỉ học, được tự do vui chơi nhưng một số trường hợp thiếu sự giám sát của gia đình. Bên cạnh đó, trẻ em với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích.

Bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ

Tùy từng độ tuổi, từng môi trường, trẻ em có những nguy cơ gặp tai nạn khác nhau. Do đó, để phòng tai nạn thương tích, sự quan tâm của các bậc phụ huynh đến con em mình ở mọi lứa tuổi là rất cần thiết.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể chú ý đến một số trường hợp thường gặp như ngã và những chấn thương do tai nạn giao thông. Gia đình và nhà trường cần hướng dẫn, giáo dục trẻ cách tham gia giao thông an toàn, chấp hành luật lệ giao thông. Tuyệt đối không cho trẻ tập hay đi xe máy, xe đạp điện khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Tai nạn giao thông và đuối nước cũng là một trong những tai nạn thương tích thường xảy ra vào mùa hè, nhất là ở lứa tuổi từ 6 đến 14. Ngã và những chấn thương do ngã cũng là tai nạn thường gặp không chỉ ở trẻ mà mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi lúc và mọi nơi. Ngã để lại những hậu quả trước mắt và lâu dài, nhiều khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cũng như tính mạng của trẻ. Cần giáo dục trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm, không leo trèo ở những nơi không an toàn như cây, cột điện, mái nhà… Tuyệt đối không cho trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở… Các cửa sổ, ban công phải có rào chắn an toàn, bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ vấp, ngã.

Môi trường gia đình cũng không hẳn là an toàn tuyệt đối. Nhiều trẻ bị tai nạn thương tích ngay trong nhà mình với chính những vật dụng trong gia đình: ổ điện, đồ dùng bằng điện, phích nước, đồ đạc... Trẻ có thể bị tai nạn bỏng/cháy; điện giật; bị cắt, đâm bởi vật sắc nhọn;… Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan.

Ngoài ra còn rất nhiều kiểu tai nạn thương tích có thể xảy ra khi người lớn và các em bất cẩn. Sự quan tâm, nhắc nhở đúng mực của các bậc phụ huynh sẽ giúp trẻ có thêm kiến thức và kỹ năng phòng tránh những tai nạn đáng tiếc.

Đọc thêm