Phóng viên Pháp luật Việt Nam làm báo ở Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm nay, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) cử 2 phóng viên (PV), một già, một trẻ đi công tác Trường Sa với mục đích hỗ trợ lẫn nhau. Thế nhưng, khi nhận quyết định thì mỗi người một đoàn. Lo lắng, hồi hộp, háo hức là cảm giác chung của chúng tôi khi lần đầu ra với Trường Sa…
PV làm bản tin trên tàu.
PV làm bản tin trên tàu.

Bản tin trên tàu

Sau các nghi thức tiễn đoàn công tác, 8h5’ tàu KN491 nhổ neo bắt đầu hành trình. Chưa kịp làm quen với cảm giác tròng trành khi tàu rời cảng thì loa trên tàu thông báo triệu tập nhóm PV, văn nghệ sỹ họp vào lúc 9h5’.

Có PV của gần 10 cơ quan báo chí tham gia đoàn công tác và các PV nhanh chóng bắt tay vào làm bản tin nội bộ phát trên tàu vào buổi tối hàng ngày. Một kế hoạch truyền thông cho 6 bản tin cho 6 ngày đã được cả nhóm dựng lên theo lịch trình từng ngày của đoàn.

Hai văn nghệ sĩ có giọng đọc mượt mà xung phong dẫn bản tin. Ấn tượng khó quên trong lần phát sóng đầu tiên là xử lý với tình huống là trên tàu chỉ có… một mic. Trong bóng tối với chỉ ngọn đèn chiếu vào bản tin, giọng đọc nữ vừa kết thúc, giọng đọc nam đã “giành” mic để kịp tiếp sóng. Cứ “qua - lại” như vậy cho đến hết bản tin. Cả nhóm PV nín thở theo dõi và thở phào cười tươi khi chương trình phát một bài hát về Trường Sa trước khi kết thúc. Từ buổi sau, công nghệ làm bản tin đã được “nâng cấp” bằng cách ghi âm trực tiếp bằng điện thoại rồi phát qua mic.

PV Vũ Quang.

PV Vũ Quang.

Không chỉ làm bản tin, ý tưởng xây dựng một talkshow về “Gạc Ma - Bất khuất, tự hào” tại sân trực thăng trên tàu ngay buổi tối hôm tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa và thăm đảo Cô Lin được cả nhóm nhất trí cao, bắt tay xây dựng kịch bản. Buổi họp chuẩn bị cho chương trình đã được tổ chức rất bài bản. Tất cả đều háo hức, sẵn sàng, từ người dẫn chương trình, nhân vật, người chạy mic, máy quay… Nhưng bất ngờ tối hôm đó trời mưa, mưa xối xả và kéo dài. Sự kiện đã không diễn ra như mong đợi nhưng các thành viên trong đoàn công tác vẫn vui vì lâu lắm đảo mới có mưa to như vậy.

Cũng là kỷ niệm mưa, PV Vũ Quang, đoàn công tác số 23 chia sẻ, tối hôm trước sự kiện Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa, nhóm PV gồm 7 người đã xây dựng phương án chi tiết, từ góc chụp, phỏng vấn, nhóm PV ở dưới xuồng thực hiện nhiệm vụ gì… Nhưng sau lời phát biểu mở đầu tại Lễ tưởng niệm, một cơn giông từ xa tiến tới bao quanh tàu KN-390. Chỉ vài phút sau, khi các thành viên trong đoàn thực hiện lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ thì cơn mưa nặng hạt ập tới. Nhóm PV ngồi trên xuồng, ai cũng ướt sũng phải quay lên tàu…

“Mưa to nhưng các thành viên trong đoàn vẫn đứng đúng vị trí tiếp tục thực hiện nghi lễ thả lễ vật, vòng hoa, cùng những cánh hạc giấy để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Không khí linh thiêng và xúc động. Nước mắt rơi hòa với nước mưa…” - PV Vũ Quang xúc động nhớ lại.

Làm nghề trên biển

Trước khi lên đường, khi hỏi về món quà mang ra đảo, PV được nhắc: “PV đi theo đoàn là để thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, nếu có thể thì mang các ấn phẩm báo chí tặng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo”. Lời nhắc đó khiến chúng tôi ý thức được công việc của mình và cũng là áp lực khi đã có quá nhiều bài báo hay về Trường Sa.

PV Thanh Lan.

PV Thanh Lan.

Đoàn công tác, nếu kể cả cán bộ, chiến sĩ đi phục vụ cũng phải lên tới khoảng 250 người, tuy nhiên nhóm PV, văn nghệ sĩ luôn được ưu tiên tối đa. Trên tàu, PV được đi các chỗ, vào cabin của tổ lái, vào bếp… để tác nghiệp. Mỗi khi tàu hạ neo chuẩn bị lên đảo, mỗi chuyến cano, xuồng máy chỉ chở được hơn chục người nhưng đoàn báo chí, văn nghệ sỹ luôn là thứ hai sau đoàn chở hàng hóa, quà tặng.

Việc lên đảo sớm là cơ hội để PV quan sát các góc chụp ảnh cũng như cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu của quân, dân trên đảo, tranh thủ hỏi han, phỏng vấn. Tới khi đủ cả đoàn lên đảo thì mỗi PV đã có kha khá tư liệu…

Mỗi tối mở vali xếp đồ, hành trang không thể không mang theo là áo cờ đỏ sao vàng, khăn kẻ, áo đồng phục và bộ áo dài của Báo PLVN. Vũ Quang - cậu PV trẻ đi Trường Sa cũng háo hức cho biết đã chuẩn bị máy ảnh “xịn” để tác nghiệp. Và dĩ nhiên quà “cây nhà lá vườn” mang ra đảo là các ấn phẩm của Báo PLVN.

Cùng với Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa được tổ chức trên tàu, nghi lễ đón đoàn trên đảo Trường Sa Lớn là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với các PV tác nghiệp ở Trường Sa. Sau khi chính trị viên trên đảo đọc dõng dạc 10 lời thề, một lễ duyệt binh, diễu binh của quân và dân trên đảo diễn ra trong không khí thiêng liêng xúc động.

Trời Trường Sa rất xanh nhưng không khí oi bức cùng với hiệu ứng bê tông từ đường băng máy bay - nơi tổ chức nghi lễ khiến cho ai nấy mồ hôi chảy thành dòng. Lúc đó, tôi mới nhận thấy công dụng của chiếc khăn kẻ mà hầu như thành viên nào cùng mang theo.

PV tác nghiệp trên đảo.

PV tác nghiệp trên đảo.

Lách đội hình, tôi lặng lẽ quỳ trên đường băng nóng rát để ghi lại những hình ảnh của buổi lễ trong một cảm xúc dâng trào. Có lẽ chưa bao giờ tôi tác nghiệp trong một tư thế như vậy. Đầu gối tê rát… Một thành viên trong đoàn đã đỡ tôi đứng dậy để kịp di chuyển theo đoàn…

Vẫn ý thức về nhiệm vụ của mình trong chuyến công tác, song không ít lần PV rơi nước mắt trước những khó khăn, vất vả và sự kiên cường của những người lính trẻ trên đảo, trong đó có những bạn chỉ mười chín, đôi mươi, bằng hoặc hơn ít tuổi con em mình ở nhà nhưng đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng nơi đầu sóng, ngọn gió.

Những cái ôm rất chặt với những giọt nước mắt giấu vội trước khi chia tay là những cảm xúc không bao giờ quên với cuộc đời làm báo… Để rồi những cảm xúc đó tuôn trào thành những bài viết: “Hải trình Trường Sa: Đi để thấy thêm yêu Tổ quốc mình...”, “Quê em ở Trường Sa…”, “Xin chữ ở Trường Sa”… và chắc chắn sẽ có nhiều bài viết nữa…

Cảm xúc đó cứ dâng trào trong mỗi con chữ, mỗi chi tiết và khi bài viết được lan tỏa, nhận được phản hồi của độc giả, các thành viên đoàn công tác, chúng tôi lại rưng rưng xúc động…

Đọc thêm