Phụ huynh Hà Nội không đồng tình khi nhận “quả bóng” trách nhiệm đối phó Covid-19

(PLVN) - Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 và sau công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 27/2, nhiều trường học ở Hà Nội đã gửi tin nhắn qua sổ liên lạc điện tử mời phụ huynh chọn phương án sẽ cho con đi học trở lại từ ngày 2/3 tới hay tiếp tục nghỉ học thêm. Tuy nhiên, không ít phụ huynh phản đối cách làm này.

Theo khảo sát trên một nhóm phụ huynh Hà Nội cùng sinh năm 1979, đa số phụ huynh cho biết, vẫn có tới hơn 90%, thậm chí có lớp 100% phụ huynh, yêu cầu cho các con nghỉ học tiếp vì chưa yên tâm khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Chẳng hạn, trường 2 con nhà anh Lương Thanh Hải ở (Tân Định, Hoàng Mai)  lấy ý kiến phụ huynh thì 90% phụ huynh đề nghị nghỉ tiếp. Hay trường con chị Phi Nhung ở quận Hoàn Kiếm thì 100% phụ huynh đề xuất nghỉ.

Rất nhiều phụ huynh lý giải, nên để cho các con nghỉ 1-2 tuần nữa xem tình hình như thế nào bởi các con mà sốt thì cả nhà cũng phải nghỉ làm mà chăm con, tệ hơn nữa thì phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Thậm chí, có người sẵn sàng cho con nghỉ đúp 1 năm do lo ngại "đến bản thân người lớn còn không ai dám khẳng định kiểm soát được, huống chi các con ở cái tuổi chỉ biết ăn với chơi".

Chị Nguyễn Hồng Cẩm cho biết, chị có hai con, 1 con học lớp 8 và 1 con mới 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Chị tâm sự, ở nhà nhiều, các con cũng tù túng, bài vở trường lớp giao nhiều thì con chán... nhưng chị chọn phương án nghỉ hết tháng 3.

“Học có nhiều cách học, nhiều thứ để học... và học cả đời. Nhưng mình chỉ có hai đứa con và mong chúng an toàn. Mình nghĩ an toàn là ưu tiên hàng đầu không chỉ với gia đình mình!” – chị Cẩm nói.

Tin nhắn xin ý kiến mà một phụ huynh ở Hà Nội nhận được.
Tin nhắn xin ý kiến mà một phụ huynh ở Hà Nội nhận được. 

Anh Nguyễn Hải (nhà ở Đống Đa) lại khác một chút. Anh có con lớn học tiểu học và con bé học mầm non. Anh chọn phương án cho bé học mầm non nghỉ học nhưng lại đồng ý cho đứa lớn đi học dù lớp con anh đa phần theo phương án nghỉ. Anh lý giải: “Nếu cho cả hai đứa ở nhà cũng có chống dịch được đâu”.

Bên cạnh số đông phụ huynh tham gia bình chọn thì một số ý kiến không đồng tình với cách làm này. Chị Mai Lan thẳng thắn cho biết chị không bình chọn phương án nào khi lớp tổ chức lấy ý kiến vì theo chị đó là trách nhiệm của lãnh đạo ngành Giáo dục, chứ không thể “đổ” lên đầu phụ huynh học sinh được

Chị Thu Trang cũng chung ý kiến và thắc mắc “sao ngành Giáo dục lại đẩy quyền quyết định sinh mạng học sinh cho các vị phụ huynh”. Anh Việt Anh thì ngán ngẩm: “Tôi thấy "ông" Y tế "đá" qua ông Giáo dục rồi rê qua cộng đồng mạng, chốt lại chưa ngã ngũ hay sao ý, thấy ra công văn chung chung như nếu thấy tình hình ổn định cho THCS với Đại học đi trước, không khác gì kiểu dò mìn”.

Một phụ huynh đưa ra những lý lẽ rất thấu đáo: “Khi nào học sinh nên đi học trở lại là việc của các bộ, ngành và của Chính phủ. Họ mới là người nắm rõ nhất việc nên hay không nên cho học sinh đi học trở lại.

Đừng đẩy phụ huynh học sinh vào thế khó vì chúng tôi cũng chỉ là người dân bình thường. Thông tin về dịch Covid-19 diễn biến như thế nào đều do các bộ, ngành và Chính phủ thông báo, vậy sao không quyết định?

Nếu không cho con đi học, con không nắm được kiến thức để thi thì là lỗi của chúng tôi vì sợ dịch mà không cho đi học?! Nếu cho con đi học mà chẳng may bị nhiễm bệnh thì cũng lại là lỗi của chúng tôi đã đồng ý cho con đi học?!”.

Có phụ huynh thì chia sẻ với cái khó của nhà lãnh đạo: “Không lấy ý kiến phụ huynh rồi đi học nếu có lây lan thì đổi cho ngành Giáo dục. Lấy ý kiến phụ huynh thì lại quay sang bảo đó là trách nhiệm của lãnh đạo ngành Giáo dục”. Có người lại hoan nghênh, Chính phủ chỉ đạo từ từ để xem tình hình dịch bệnh là rất trúng vì cá nhân phụ huynh này nghĩ sẽ nghỉ tiếp ít nhất hai tuần nữa.

Ở một chiều hướng khác, một số ý kiến cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để giảm tải chương trình giáo dục hiện hành. Nếu lãnh đạo ngành Giáo dục điều chỉnh chương trình năm học rút gọn bớt thì vẫn đảm bảo sau khi nghỉ dịch bệnh theo hướng học gì thi nấy. 

Khi ấy, ngành Giáo dục khỏi cần lo việc học bù vào ngày nghỉ hay học xuyên dịp hè. Riêng lớp 9 với lớp 12 thì thi tốt nghiệp cứ ra đề trong những kiến thức mà các con đã được học.

Chị Hoàng Thanh Hải có con đang học lớp 9 nên thấu hiểu tâm lý phụ huynh sợ năm cuối cấp con nghỉ nhiều sẽ không thi tốt được cho rằng, "sức khỏe của con mới quan trọng, lớp 9 và lớp 12 càng cần giữ sức khỏe, nhỡ đi học mà mắc bệnh thì lúc ấy, hoàn toàn là lỗi tại phụ huynh".

Đọc thêm