Phụ huynh, học sinh thấp thỏm về môn thi vào lớp 10 Hà Nội

(PLVN) - Việc Hà Nội chưa “chốt” số môn thi vào lớp 10 khiến phụ huynh, học sinh thấp thỏm; một số hiệu trưởng cho rằng chỉ nên thi 3 môn.
Ảnh minh hoạ.

Phụ huynh, học sinh đứng ngồi không yên

Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh sắp tới, Trà My-học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở quận Thanh Xuân học từ 7h đến 23h. Lịch học dày đặc nhưng nữ sinh chia sẻ, em không cảm thấy mệt mỏi mà điều quan trọng nhất lúc này là chuẩn bị thật tốt để giành cơ hội vào lớp 10 công lập.

“Em có nguyện vọng thi vào THPT Trần Phú. Đây là trường có tỷ lệ "chọi" cao, luôn đứng top đầu của thành phố nên em khá căng thẳng. Vì vậy hiện tại, em rất sốt ruột về thông tin của môn thứ 4. Tuy vẫn cố gắng học đều các môn có thể thi nhưng chúng em mong Sở sớm công bố để có thể tập trung ôn luyện các môn cơ bản, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi”, Trà My chia sẻ.

Tương tự, Thúy Quỳnh là học sinh lớp 9 tại trường THCS thuộc quận Hoàng Mai cũng đang rất hồi hộp chờ đợi môn thi hiện vẫn còn đang là ẩn số. Nữ sinh cho hay: “Trong năm học này, em phải học trực tuyến quá nhiều, dù các thầy cô rất nỗ lực nhưng chất lượng của đường truyền đã ảnh hưởng khá lớn đến việc học dạy và học. Hơn nữa với 3 môn thi cố định: Toán, Văn, Tiếng Anh thì em kém hơn ở môn tiếng Anh vì vậy nếu môn thi thứ 4 rơi vào 2 môn học sở trường thì sẽ có lợi thế để gỡ điểm, đem lại nhiều cơ hội hơn cho em”.

Có con thi vào lớp 10, anh Nguyễn D.K. L (quận Bắc Từ Liêm) cũng đứng ngồi không yên. Không chỉ với phụ huynh mà các học sinh cũng bị COVID-19 "hành", nhất là dịp ra tết, khi học sinh, sinh viên trở lại học tập trung. "Ở lớp con gái tôi, đến trường chưa tròn 1 tuần thì các bạn của cháu liên tục dương tính khiến tôi và nhiều phụ huynh hoang mang. Quay trở lại học trực tuyến, nhìn con căng mắt ngồi trước màn hình suốt nhiều giờ làm tôi thấy vừa thương vừa lo".

Tương tự, chị Ngọc Phương (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ lo lắng trước thông tin Sở GD&ĐT Hà Nội giữ nguyên phương án tuyển sinh vào 10 với 4 môn thi là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn học khác chưa công bố.

"Hai năm nay các con đi học khá là vất vả do tình hình dịch có nhiều diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, hình thức học online chưa thực sự mang lại hiệu quả tiếp thu bài của các con, vì vậy tôi hy vọng Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ sớm công bố phương án thi sớm nhất để các con có thời gian chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng cho kỳ thi của mình" - chị Phương cho hay.

Hiệu trưởng các trường nói gì?

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho hay, năm nay dịch bệnh kéo dài quá lâu và bùng phát rất mạnh, học sinh đang chịu áp lực quá nhiều về sức khỏe và học tập. Do đó, quan điểm của ông, Hà Nội chỉ nên thi vào lớp 10 THPT 3 môn.

Cha mẹ học sinh thấp thỏm lo âu. Bản thân các em học sinh cũng ám ảnh bởi câu hỏi: "Thi 3 hay 4 môn" quá lâu cũng làm ảnh hưởng đến việc học tập.

Do đó, theo ông Bình, thông lệ khoảng trung tuần tháng 3, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thi lớp 10 THPT nhưng trước những áp lực trên đây, Sở nên công bố sớm để học sinh ôn tập và học tập.

Lý giải thêm về việc thi 3 hay 4 môn, ông Bình nói, năm học 2022-2023 học sinh lớp 10 đã học Chương trình giáo dục phổ thông mới nên ngoài 7 môn bắt buộc, các em được lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm môn thuộc KHTN, KHXH và Công nghệ- Nghệ thuật.

Việc lựa chọn này phụ thuộc vào năng lực của các em, do đó trong 7 môn bắt buộc, phải có 3 môn cơ bản là Toán, Văn, Ngoại ngữ.

"Dù các em lựa chọn như thế nào đều phải có 3 môn này nên môn thứ 4 thuộc nhóm KHXH hay KHTN cũng không đóng vai trò gì quá quan trọng trong định hướng nghề nghiệp của các em sau này" ông Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, cho rằng: "Các nhà quản lý giáo dục thủ đô vì sợ dạy lệch, học lệch nên đưa môn thứ tư vào và công bố muộn. Nhưng theo tôi, việc dạy lệch, học lệch không thể giải quyết qua việc tổ chức kỳ thi lớp 10 như vậy", ông Khang nói và lấy ví dụ TP HCM và các tỉnh, thànhkhác nhiều năm nay chỉ thi ba môn vào lớp 10 nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Rõ ràng, họ không chống dạy và học lệch bằng cách như Hà Nội.

Từ năm học 2022-2023 trở đi, học sinh lớp 10 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bước vào giai đoạn "Giáo dục định hướng nghề nghiệp". Tính phổ thông toàn diện không được đặt ra. Vì vậy, ông Khang cho rằng tuyển sinh đầu vào THPT năm nay trở đi chỉ cần ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là hợp lý.

Đọc thêm