Chị Mai Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tức là cho trẻ đến trường ôn tập rồi mới kiểm tra trực tiếp, sẽ gây ra tâm lý lạ lẫm, lúng túng, bỡ ngỡ cho những đứa trẻ chưa từng đến trường.
Nhưng nếu trường không tổ chức ôn tập, chỉ cho trẻ lên lớp để thi, việc này hoàn toàn vô lý khi suốt thời gian qua, học sinh hai lớp đầu cấp tiểu học đều học trực tuyến. Đó là chưa nói đến tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang rất phức tạp. Trẻ em ở độ tuổi này chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo chị, an toàn của con là trên hết nên không muốn con đến trường tiếp xúc nhiều người.
Anh Phan Văn Hiếu có suy nghĩ tương tự: “Đang học trực tuyến ở nhà, đùng cái bảo đến trường thi trực tiếp thì các con chưa thể thích ứng được. Học thì chỉ được tàm tạm 50-60% nhưng thi thì 100% chưa kể tâm lý các con ít nhiều hoang mang đang quen học ở nhà có sự hỗ trợ của bố mẹ, giờ đến lớp 1 mình 1 bàn nó chưa khóc là may còn thi cử gì nữa”.
Cũng lo lắng với quy định cho học sinh đến trường thi trực tiếp, chị Phạm Hoài (TP HCM) cho rằng điều này không hợp lý, sẵn sàng tâm lý để con học lại 1 năm. “Trường con mình ở quê học từ ngày 15/9 mà con mình bị kẹt lại TP HCM, về nhà cách ly xong tới 1/11 mới đi học, giờ mới học được 1,5 tháng đã phải thi cử. Chỉ mong con biết đọc biết viết là mừng lắm rồi, dịch thế này muộn hay chậm 1 năm cũng chả sao”.
Trong khi đó, có phụ huynh nêu ý kiến việc học sinh thi trực tiếp là cần thiết bởi như vậy mới đánh giá được khách quan kiến thức. Tuỳ vào kết quả, nhà trường có thể điều chỉnh cách dạy cho phù hợp. Anh Nguyễn Phước (Hoài Đức) cho biết: “Đánh giá cần phải khách quan để rút tỉa ra được ưu và khuyết của phương pháp học online vừa qua. Nếu có quá nhiều cháu không đạt thì việc tiếp tục giáo trình online như vừa rồi không ổn thì cần điều chỉnh kịp thời”.
Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Quốc Hưng nêu: “Chỉ là Bộ GD&ĐT xem các cháu học online có hiệu quả quả không mới thi trực tiếp để đánh giá có hiệu quả để còn có phương án điều chỉnh. Phụ huynh cứ sợ thì sau này các cháu học sẽ như thế nào lớp 1, 2 học chương trình mới rất khó, mong phụ huynh hãy để các cháu đi thi trực tiếp”.
Giải thích về việc cho học sinh lớp 1, 2 đến trường thi học kỳ trực tiếp, ông Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong quá trình dạy học, giáo viên được phép linh hoạt trong đánh giá thường xuyên.
Nhưng học sinh phải làm bài kiểm tra định kỳ. Với lớp 1, lớp 2 có những kỹ năng trong bài kiểm tra định kỳ cần thực hiện trực tiếp mới đảm bảo tính chính xác.
Hơn nữa, việc kiểm tra định kỳ với sự giám sát của lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn để tăng trách nhiệm quản lý. Việc đánh giá đúng chất lượng là căn cứ để căn chỉnh những vấn đề còn bất ổn ở hai lớp đầu cấp rất quan trọng, đồng thời cũng là hai lớp ở bậc tiểu học đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Theo hướng dẫn, các trường cần thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn ôn tập, củng cố kiến thức, định hướng nội dung kiến thức cốt lõi trước khi học sinh làm bài kiểm tra định kỳ", ông Tài lưu ý. Tùy theo hình hình thực tế, các trường có thể chia nhỏ lớp để đảm bảo giãn cách khi học sinh trở lại trường ôn tập chuẩn bị cho đợt kiểm tra.