Phụ nữ Nhật Bản tự tổ chức đám cưới với chính mình

(PLVN) - Theo ước tính của chính phủ Nhật Bản, năm 2018, số lượng các cặp đôi kết hôn đạt mức thấp nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp tỷ lệ kết hôn của quốc gia này giảm. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi số ca sinh nở ở Nhật Bản cũng đang giảm mạnh. Năm 2018, số trẻ sơ sinh ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1899.
Một cô gái Nhật Bản đang chuẩn bị chụp bộ ảnh cưới đơn thân. (Ảnh minh họa).
Một cô gái Nhật Bản đang chuẩn bị chụp bộ ảnh cưới đơn thân. (Ảnh minh họa).

Muốn được tự do, không ràng buộc

Những năm gần đây, phụ nữ Nhật Bản ngày càng không muốn kết hôn. Họ muốn tập trung vào công việc và sự tự do hơn là hôn nhân và những ràng buộc. Chính điều này đã khiến giới chính trị Nhật Bản tỏ ra quan ngại vì có thể khiến dân số Nhật Bản ngày càng giảm đi.

Theo New York Time, một cô dâu Nhật Bản có tên Sanae Hanaoka, 31 tuổi đã khiến nhiều người sốc bằng việc “tự kết hôn với chính mình”. 

“Tôi muốn tìm cách sống một mình. Tôi muốn dựa vào chính sức lực của mình”, Sanae Hanaoka chia sẻ trong đám cưới của cô.

Được biết, vào giữa những năm 1990, tỷ lệ phụ nữ chưa kết hôn khi tròn 50 tuổi là 1/20 người, theo số liệu thống kê của chính phủ. Tuy nhiên đến năm 2015, tỷ lệ này tăng lên 1/7 người. Đối với phụ nữ từ 35-39 tuổi, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn: Gần 1/4 chưa từng kết hôn, so với tỷ lệ chỉ khoảng 1/10 của hai thập kỷ trước đó.

Nhằm tăng dân số, giới chức Nhật cố gắng khuyến khích các cặp đôi kết hôn và sinh con, thế nhưng ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản coi việc độc thân là một hình thức giải phóng. “Khi kết hôn, họ phải từ bỏ rất nhiều thứ, như quyền tự do và sự độc lập”, Mari Miura, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, nói.

Hiện nay, 70% phụ nữ 15-64 tuổi ở Nhật có việc làm. Con số này cho chúng ta thấy, tỷ lệ lao động nữ ở Nhật Bản cao hơn bao giờ hết. Thế nhưng những chuẩn mực văn hóa vẫn chưa bắt kịp. Cụ thể, những người vợ, người mẹ Nhật Bản vẫn thường xuyên phải gánh vác việc nhà, chăm sóc con cái và giúp đỡ người già trong gia đình và đây được xem là một yếu tố gây cản trở và kìm hãm họ phát triển sự nghiệp của phụ nữ.  

Đàn ông cũng muốn sống một mình

Thời nay, phụ nữ Nhật không cần chồng để đảm bảo kinh tế. Với công việc ổn định, họ chủ động lo cho cuộc sống của mình và dễ dàng tham gia những hoạt động mà bà, mẹ của họ không có cơ hội tiếp xúc.

“Tôi nghĩ nếu tôi kết hôn, tôi sẽ phải làm thêm việc nhà và chăm sóc gia đình, con gái. Nhưng nếu tôi không kết hôn và chỉ yêu công việc của mình, tôi sẽ được tự do làm công việc này mà không vướng bận điều gì”, cô Kayoko Masuda, 49 tuổi, họa sĩ truyện tranh chia sẻ. 

Một số đàn ông Nhật Bản bày tỏ mong muốn gánh vác việc nhà giúp phụ nữ, trong khi đó chính phủ Nhật cũng khuyến khích các doanh nghiệp cải cách văn hóa làm việc. Tuy nhiên, tình trạng nhân viên làm việc ngoài giờ, thậm chí ăn, ngủ ở văn phòng vẫn phổ biến, khiến đàn ông không thể giúp đỡ được vợ. Bà Kumiko Nemoto, giáo sư xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto cho biết, “Rất khó để tìm được một người đàn ông đi làm nhưng vẫn sẵn sàng chăm sóc gia đình”.

Thậm chí đối với nhiều phụ nữ độc thân, những người bạn có chồng con trở thành hồi chuông cảnh báo về hôn nhân. Cô Shigeko Shirota 48 tuổi, quản lý tại một trường mầm non, kể rằng nhiều người bạn của cô đã phải nghỉ việc sau khi kết hôn để lo việc nội trợ. “Thật không công bằng khi phụ nữ bị ép buộc ở nhà. Họ hạnh phúc khi ở với con nhỏ nhưng đôi khi chính người chồng lại trở thành một đứa trẻ to xác”. 

Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế vào đầu những năm 1990 tại nước này, mức lương trung bình hầu như không tăng lên. Khoảng 1/5 nam giới hiện nay đang làm các công việc tạm thời, không ổn định và ít có tiềm năng thăng tiến.

Do vậy không chỉ phụ nữ, một bộ phận đàn ông Nhật cũng tránh kết hôn do tình hình kinh tế đi xuống. Quan niệm đấng mày râu phải là trụ cột gia đình khiến không ít đàn ông Nhật gặp áp lực. 20 năm trước, tỷ lệ nam giới 35-39 tuổi không kết hôn chưa tới 25%, đến nay đã lên hơn 30%.

Ông Kazuhisa Arakawa, giám đốc cấp cao của một công ty tiếp thị, cho biết nhiều đồng nghiệp nam của ông coi hôn nhân là trở ngại. Theo James Raymo, giáo sư xã hội học tại Đại học Wisconsin-Madison cho hay, “Đàn ông Nhật Bản có xu hướng trì hoãn kết hôn, đợi đến lúc có điều kiện thích hợp, nhưng rồi thời điểm đó không bao giờ đến và họ rơi vào tình trạng độc thân cả đời”. 

Đọc thêm