Trả lời:
Theo quy định của Bộ Bộ luật Dân sự 2015 - khoản 1 điều 39 cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn. Như vậy, trước hết có thể khẳng định việc kết hôn là quyền của mỗi cá nhân.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;... thì có quyền tự mình quyết định việc đăng kết hôn mà không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý của gia đình.
Khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định hành vi "cản trở kết hôn" là một trong những hành vi bị pháp luật cấm.
Khoản 10 điều 3 Luật Hôn nhân cũng quy định: "Cản trở kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ".
Theo những quy định trên, việc bạn kết hôn là quyền được pháp luật công nhận. Nếu bố mẹ bạn cản trở việc kết hôn hợp pháp của bạn là họ đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bạn cần khéo léo vận động gia đình hai bên, để trọn tình, vẹn lý.