CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Phụ nữ Việt - trên cánh đồng và trong chiến hào góp phần làm nên chiến thắng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ chưa bao giờ mờ nhạt. Từ những thửa ruộng lấm lem bùn đất, những bếp lửa đơn sơ nuôi quân, đến những chiến hào khốc liệt khét mùi thuốc súng, phụ nữ Việt Nam luôn hiện diện, cống hiến và hy sinh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, họ là hiện thân sống động của lòng yêu nước, của sự dũng cảm, kiên trung và hy sinh thầm lặng mà vĩ đại.
Bà Lê Thị Quýnh tại Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang” tháng 3/2025.
Bà Lê Thị Quýnh tại Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang” tháng 3/2025.

Từ phong trào “Ba đảm đang” - lao động và chiến đấu hết mình…

Tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), phong trào “Ba đảm nhiệm” - tiền thân của “Ba đảm đang” - được phát động từ năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đề ra ba nhiệm vụ: đảm nhiệm sản xuất thay chồng con ra trận; đảm nhiệm công việc gia đình để hậu phương vững chắc; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu khi cần thiết. Phong trào nhanh chóng lan rộng toàn quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo đổi tên thành “Ba đảm đang”. Những người phụ nữ như bà Lê Thị Quýnh, bà Nguyễn Thị Điểm, bà Đặng Thị Ty… đã sống, chiến đấu, sản xuất trong tinh thần ấy. Họ biết cày, biết bừa, biết sản xuất giống bèo hoa dâu, đồng thời vẫn cầm chắc tay súng bảo vệ đập Phùng - công trình quan trọng bảo vệ Hà Nội. Họ là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ vừa làm hậu phương, vừa sẵn sàng là chiến sĩ khi Tổ quốc cần.

Tháng 3/2025, huyện Đan Phượng, Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm phong trào “Ba đảm đang”. Những cô gái tuổi “Ba đảm đang” mới mười tám, đôi mươi năm xưa, nay đều đã lên chức bà, chức cụ. Tại buổi giao lưu, bà Lê Thị Quýnh, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trung Châu đã hơn 80 tuổi, vẫn sôi nổi mỗi khi nhớ về nguồn gốc phong trào “Ba đảm nhiệm” năm xưa. Bà Quýnh kể, năm 1965, khi Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra phá hoại miền Bắc. Tất cả quân và dân ta đều sôi sục tham gia đánh giặc. Bà Lê Thị Thái là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng đặt vấn đề với Ban Chấp hành Hội là: Đoàn Thanh niên có phong trào “Ba sẵn sàng”, các cụ phụ lão có phong trào “Ba gương mẫu”, còn phụ nữ chúng ta sẽ có phong trào gì? Chủ tịch Hội gợi ý, hiện nay phụ nữ đang phải đảm nhiệm công việc thay chồng, con em lên đường chiến đấu. Chúng ta nên phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ, gồm: đảm nhiệm việc sản xuất tại địa phương; đảm nhiệm công việc gia đình để chồng, con em yên tâm lên đường chiến đấu và đảm nhiệm phục vụ chiến đấu khi cần thiết. “Nội dung của phong trào tuy ngắn gọn, nhưng là ba phần việc rất quan trọng, mà lại gần gũi, thường ngày của chị em, cho nên rất dễ nhớ, dễ thực hiện. Vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ 16 xã của huyện nhất trí ngay”, theo bà Quýnh. Ngày 8/3/1965, Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng tổ chức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” tại trường cấp 2 xã Đan Phượng, thể hiện quyết tâm cao của phụ nữ trong huyện.

Bà Trần Thị Quang Mẫn khi ra Hà Nội tham dự sự kiện kỷ niệm 55 năm “Đội quân tóc dài” và 50 năm Phong trào “Ba đảm đang” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2015. (Nguồn: Hội LHPNVN)

Bà Trần Thị Quang Mẫn khi ra Hà Nội tham dự sự kiện kỷ niệm 55 năm “Đội quân tóc dài” và 50 năm Phong trào “Ba đảm đang” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2015. (Nguồn: Hội LHPNVN)

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Điểm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng: “Lúc bấy giờ, nam giới đi chiến trường chiến đấu hết. Để bảo đảm kịp thời vụ, chị em phụ nữ chúng tôi phải học cày, bừa ruộng, làm phân xanh, sản xuất bèo hoa dâu, ngâm ủ thóc giống đúng kỹ thuật. Bản thân tôi là Tổ trưởng Tổ sản xuất giống bèo hoa dâu, đạt danh hiệu Kiện tướng làm bèo, được tỉnh tặng thưởng một chiếc xe đạp”.

Không chỉ đảm đương công việc đồng áng, những phụ nữ “ba đảm đang” còn trực tiếp cầm súng chiến đấu. Bà Đặng Thị Ty - nguyên Trung đội trưởng Trung đội dân quân đập Đáy cho biết, tháng 2/1965, 12 chị em phụ nữ độ tuổi 18 - 19, trong đó có bà được kết nạp Đảng, phân công lên làm nhiệm vụ trực chiến tại đập Đáy với bốn khẩu súng 12 ly 7. Bốn nữ dân quân là các chị: Tạ Thị Gái, Ngô Thị Lâm, Quách Thị Hợi, Bùi Thị Lấu đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đập Đáy ngày 28/4/1967. “Vừa chăm sóc gia đình, vừa tham gia sản xuất, vừa trực tiếp cầm súng, lúc ấy chúng tôi có nghĩ gì đến cái sống, cái chết đâu, chỉ biết lao động và chiến đấu hết mình”, theo bà Nguyễn Thị Điểm.

Đến những nữ anh hùng nơi chiến trường khốc liệt

Không thể kể hết những nữ anh hùng trên chiến trường vì mỗi người là một huyền thoại. Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, bà Trần Thị Quang Mẫn có lẽ là trường hợp duy nhất cải trang thành nam giới để đi đánh giặc.

Bà tên thật là Trần Thị Mẫn, xuất thân trong một gia đình khá giả tại làng Thạnh Hòa, tổng Giang Ninh, quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang). Vì là người con thứ 5 nên dân trong vùng thường gọi bà là Sáu Mẫn. Từ khi còn nhỏ, Sáu Mẫn đã có cá tính mạnh mẽ, nghịch ngợm không thua kém con trai, nhiều lần cầm đầu nhóm bạn đi "quậy" khiến cha bà nhiều phen kinh ngạc. Đến khi qua tuổi 18, Sáu Mẫn chứng kiến đất nước lầm than vì địch tàn phá nên đã quyết tâm tham gia vào quân đội để bảo vệ Tổ quốc. Bà cùng cô em gái Bảy Trâm trốn đi nhưng lần đầu bị ba bắt về, cắt phăng mái tóc, đốt sạch quần áo trong cơn giận dữ. Đến lần thứ hai thì cả hai mới trốn thành công.

Bức thư của chị Võ Thị Tần viết gửi mẹ trước khi hy sinh 5 ngày. (Ảnh tư liệu)

Bức thư của chị Võ Thị Tần viết gửi mẹ trước khi hy sinh 5 ngày. (Ảnh tư liệu)

Bà Mẫn khi đó đã cắt tóc ngắn như con trai, lấy tên Trần Quang Mẫn, bắt em gái Bảy Trâm gọi là anh Sáu. Để không bị anh em trong quân đội phát hiện, bà quấn vải nịt thật chặt để che vòng 1, tập la, tập hét cho bể tiếng, tập tướng đi của đàn ông và bắt chước luôn cả việc hút thuốc. Vì em gái được đào tạo làm y tá nên mỗi khi bị thương, Sáu Mẫn đều nhờ em gái xử lý, do đó thân phận được giấu kín trong suốt 5 năm binh nghiệp.

Sáu Mẫn thông minh, gan dạ nên được cử đi học sĩ quan ở Trường Quân chính Quang Trung, đến năm 1947 thì trở về nhận nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 70 (Đại đội cảnh vệ - sau này là Trung đoàn 124 thuộc Quân khu 9). Với những thành tích chiến đấu xuất sắc, năm 1950, bà được đề bạt làm Đại đội trưởng. Không ai nghĩ người đội trưởng anh dũng, tài giỏi ấy lại là gái giả trai cho đến một ngày người bộ đội Nguyễn Văn Bé (Mười Bé) biết được thân phận của Sáu Mẫn qua lời kể của cha ruột bà đã lặn lội đi tìm và cầu hôn. Thế là đám cưới kì lạ đã diễn ra theo cách không thể bất ngờ hơn.

Trong suốt cuộc hôn nhân với ông Mười Bé, Sáu Mẫn chỉ được gặp chồng 4 lần. Đến khi bà rời quân ngũ để về nhà chuẩn bị sinh con đầu lòng thì nghe tin chồng hi sinh khi đánh đồn Chàng Chẹt. Nén lại đau thương, bà sinh con rồi không lâu sau phải để lại đứa trẻ cho bố mẹ nuôi để tiếp tục đi chiến đấu...

Năm 1967, bà được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang giải phóng, tham gia đoàn Dũng sĩ miền Nam ra Bắc, vinh dự được tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến khi trở lại miền Nam, Sáu Mẫn công tác chính trị trong Quân khu 9 cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ. Với những hi sinh, đóng góp to lớn cho Tổ quốc, bà Mẫn đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 1994. Bà cũng được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và rất nhiều huân, huy chương khác. Cuộc đời bà Mẫn đã được nhà văn Bùi Hiển viết thành quyển sách “Cuộc đời tôi”.

Chiến tranh không chỉ có súng đạn, còn có những con đường tiếp viện, những cung đường Trường Sơn khét lẹt khói bom. Nơi đó, hàng nghìn nữ thanh niên xung phong (TNXP) như chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 tại Ngã ba Đồng Lộc, đã ngã xuống trong khi tuổi đời còn rất trẻ. Những lá thư chị gửi mẹ trước lúc hy sinh vẫn khiến người đọc hôm nay rưng rưng: “Mẹ ơi, nếu con không trở về, mẹ đừng buồn nhé...”. Họ là những người khiêng từng viên đá, lấp từng hố bom, vá từng đoạn đường - để đoàn xe tiếp tế không ngưng nghỉ. Họ hát giữa tiếng bom, cười trong gian khổ và hy sinh trong lặng thầm nhưng bất tử. Những đội văn công nơi tiền tuyến - phần lớn là nữ - đã đi khắp các chiến khu, mang lời ca tiếng hát tiếp lửa cho quân và dân. Họ biểu diễn trong rừng, trên võng, giữa chiến hào, dưới hầm trú ẩn. Họ đã góp phần làm dịu đi những ngày tháng khốc liệt bằng âm nhạc và nghệ thuật. Có người vừa hát, vừa băng bó cho thương binh, rồi lại tiếp tục biểu diễn giữa tiếng đại bác gầm vang…

Có thể nói, phụ nữ Việt Nam không đứng ngoài cuộc chiến. Họ đã góp phần làm nên chiến thắng. Từ cánh đồng lúa đến chiến hào, từ hậu phương đến tiền tuyến, từ tình yêu đến sự hy sinh, người phụ nữ Việt Nam đã chọn một con đường - con đường cùng dân tộc đi đến độc lập, tự do. Và lịch sử đã khắc tên họ - bằng máu, bằng mồ hôi và bằng những trang sử không bao giờ lãng quên.

Đọc thêm