“Phù phép” điểm thi tại Hà Giang: Lòng tham và “hư danh” lên tới đỉnh điểm

(PLO) - Những ngày này, liên tiếp điểm thi bất thường từ các tỉnh vốn là “vùng trũng” của giáo dục như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu… đã và đang được làm sáng tỏ. Thế nhưng, cú sốc chấn động từ vụ việc làm sai lệch điểm thi tốt nghiệp, “phù phép” chỉ với 6 giây từ trượt tốt nghiệp thành thủ khoa tại Hà Giang khiến dư luận bàng hoàng. 
Cần rà soát lại tất cả các điểm thi ở các địa phương với tinh thần “thà đau một lần” để lấy lại niềm tin cho xã hội. (Ảnh minh họa)
Cần rà soát lại tất cả các điểm thi ở các địa phương với tinh thần “thà đau một lần” để lấy lại niềm tin cho xã hội. (Ảnh minh họa)

Và hơn 300 bài thi của trên 100 thí sinh trong đó có con em của nhiều vị chức sắc của tỉnh Hà Giang đã làm bùng nổ sự giận dữ và sự tổn thương sâu sắc cho toàn xã hội. Khi mà sức nóng vào đại học bằng mọi giá, của thành tích và “sính bằng cấp” đã tạo thành những ung nhọt có thể vỡ ra bất cứ lúc nào…

Sự thật tới… bẽ bàng

Có thể nói, sự phẫn nộ trong cộng đồng là có thể hiểu được vì lâu nay, một thực tế là việc chạy trường, chạy điểm, chạy lớp diễn ra hồn nhiên từ những đô thị sầm uất cho tới các vùng quê ở hầu khắp cả nước. Tất cả đều đã được lên tiếng,  nhưng vẫn chỉ rơi tõm vào hư vô mà chưa tìm được giải pháp để giải quyết tận gốc.

Kết thúc kỳ thi, nhiều em học thật thì khóc vì không đủ điểm tuyển sinh; trong khi nhiều em học giả thì chễm chệ ngồi vào giảng đường các trường danh giá, đặc biệt với những thí sinh điểm cao ở Hà Giang, có khoảng 20 em đăng kí NV1 vào khối trường công an, nơi hàng năm phải là những thí sinh xuất sắc, thủ khoa mới chạm tới được… Trong số này có con, người nhà của lãnh đạo tỉnh, của lãnh đạo và cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang. 

Bởi thế, bằng sự móc ngoặc giữa phụ huynh với những người làm quản lý giáo dục, nó đốn gục sự tôn trọng của những đứa trẻ mới ra đời về người lớn nếu chứng kiến phụ huynh là các quan chức can thiệp điểm cho con. Và người thầy, vì không cưỡng lại được lòng tham, đã bất chấp làm chuyện động trời khi số tiền nâng điểm được tính theo cấp số nhân, theo dư luận đồn đoán tới vài trăm triệu cho tới xấp xỉ tiền tỉ.

Dù chưa có kết luận điều tra cuối cùng nhưng bằng việc sửa điểm để những thí sinh được tăng thêm tới mấy chục điểm, gấp nhiều lần số điểm các em được hưởng. Không ít người cho rằng, nó bỡn cợt một cách thô lậu những cha mẹ thiện lương tần tảo nuôi con ăn học.

Học sinh...
Học sinh...

Là người nhiều năm từng phụ trách mảng công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) nhận xét, về khía cạnh kỹ thuật, có thể đánh giá là việc nâng điểm cho thí sinh ở Hà Giang được thực hiện rất tinh tế, tinh tế theo nghĩa tác động vào những khâu ít ai ngờ tới, làm cả mẻ lớn vài trăm bài thi cho cả trăm thí sinh, và nếu như dư luận không phát hiện, Bộ GD-ĐT không can thiệp sớm thì chỉ sau một thời gian ngắn là không còn dấu vết gì. 

Thực tế là, ông Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí, sở GD-ĐT Hà Giang)  đã không can thiệp vào quá trình thi, vì việc thi cử diễn ra trước mắt các giám thị và nhiều thí sinh. Ông Lương cũng không can thiệp vào bài thi sau khi thí sinh nộp, vì khi đó bài thi được niêm phong quản lý nghiêm ngặt và chưa có đáp án để biết câu trả lời đúng.

Bài thi được quét vào máy tính ở dạng file hình, xuất ra một bản gửi cho Bộ GD-ĐT (đĩa CD1) theo đúng quy trình. Khi đó ai cũng yên tâm là dữ liệu quét rồi, gửi Bộ rồi, lưu rồi, nên lơ là cảnh giác, khi đó cũng là lúc Bộ gửi đáp án để chấm và ông Lương ra tay.

Việc phát hiện ra tính bất thường trong điểm thi tại Hà Giang lại do một điều ít ai ngờ tới là đề thi năm nay khó, ít điểm cao, và ông Lương nâng điểm lên quá nhiều bài, quá cao theo phổ điểm năm trước vì nghĩ rằng như vậy mới đủ điểm vào được các trường đại học hàng đầu, cho nên Hà Giang có phổ điểm dị biệt.

Nếu như ông Lương chỉ nâng lên 7-8 điểm thì vụ việc đã được thực hiện một cách hoàn hảo, một số bất thường nho nhỏ, chẳng hạn phát hiện về việc điểm thi không tương xứng với sức học thì cũng có lý do để biện minh là thi trắc nghiệm nên có may rủi.

Cũng theo ông Quách Tuấn Ngọc, vụ việc xảy ra chứng tỏ một điều là xã hội đang có tình trạng chạy theo lợi ích bất chấp các quy định pháp lý, đạo đức, trách nhiệm, phụ huynh chạy điểm cho con cái, cán bộ giáo dục vì lợi ích trước mắt sẵn sàng làm bậy, đi ngược lại đạo đức người thầy. 

Bày tỏ quan điểm về những gì đang diễn ra, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) bày tỏ, là một người thầy tâm huyết đứng trên bục giảng, thầy cảm thấy xấu hổ và bẽ bàng nhưng đồng thời cũng thấy rằng, đã tới lúc cần cắt bỏ khối u nhức nhối này, thà đau một lần để xã hội lấy lại sự công bằng, trong sạch.

... và phụ huynh...
... và phụ huynh...

Chuyện gian lận thi cử “vô tiền khoáng hậu” vừa diễn ra ở Hà Giang chỉ làm vỡ ra một cái nhọt trong cơ thể ung nhọt đã sưng tấy lên mấy chục năm nay của nền giáo dục, đến nỗi sờ vào chỗ nào cũng thấy đau nhức. 

Có nên bỏ kì thi “hai trong một”?

Từ vụ gian lận điểm thi gây rúng động ở Hà Giang, bên cạnh đòi hỏi điều tra làm rõ mọi ngóc ngách của sự việc, xử lý những người liên quan, các chuyên gia giáo dục có nhiều ý kiến về việc tổ chức thi. Nhiều ý kiến đòi bỏ kỳ thi “2 trong 1” hiện nay, giao việc thi tuyển về cho các trường đại học tự chủ.

Theo  ông Quách Tuấn Ngọc, kỳ thi có khe hở thì phải có các giải pháp kỹ thuật và các giải pháp quản lý để chặn các khe hở này lại. Đã đến lúc xem xét lại tính hợp lý của cuộc thi này, chẳng hạn giao hẳn việc tuyển sinh về cho các trường đại học, còn thi tốt nghiệp THPT thì có thể đặc cách tốt nghiệp cho 80% học sinh khá giỏi, chỉ tổ chức thi cho 20% còn lại, và việc chấm thi trắc nghiệm tập trung chứ không phân cho các địa phương như hiện nay.

Cũng cần loại bỏ bớt các yếu tố may mắn trong thi trắc nghiệm, chẳng hạn trừ điểm nếu chọn sai, để điểm thi gần với sức học của thí sinh hơn. Nghĩa là sau khi thi xong thì niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo cụm. Nếu các trường đại học chấm thì chắc chắn là sẽ nghiêm túc.

Một thầy giáo ở Hải Phòng cũng đề xuất: Để kết quả thi được chính xác hơn cần có sự kiểm tra lại từ file gốc các bài thi; Cần phải nêu lên quy trình kiểm tra để không có một cá nhân nào dám làm sai lệch kết quả; Có hình thức kỉ luật nghiêm khắc những trường hợp tự ý làm sai quy trình; Đề thi 2 trong 1 có nhiều ưu điểm nhưng nội dung bài thi nên có thêm phần tự luận để học sinh trình bày sự hiểu biết và lấy đó làm điều kiện để xét vào các trường đại học; Vẫn phải duy trì điểm ưu tiên cho các vùng còn nhiều khó khăn, vùng miền núi hải đảo.

Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các điểm thi ở các địa phương xem, liệu có còn một “Hà Giang” nữa hay không. Vụ việc này làm dư luận xã hội buộc phải nhớ đến “vụ Đồi Ngô” của Bắc Giang hơn 6 năm trước và  chủ trương “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và “bệnh” thành tích trong giáo dục) của nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. “Căn bệnh” đó đã “di căn” và tái phát.

...trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018
...trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 

Thứ hai, theo quy chế chấm thi trắc nghiệm, đó là quy trình nghiêm ngặt và chặt chẽ với nhiều công đoạn có sự thực thi và giám sát của nhiều người, kể cả cơ quan công an. Vậy mà sai phạm đó vẫn xảy ra. Thầy Hiếu cho rằng, chỉ một cá nhân không thể can thiệp để tạo nên sự thay đổi kết quả. Đó là sự cố tình sai phạm và là sự sai phạm có tổ chức.

Thứ ba, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT cần có một đánh giá trung thực và khách quan về kỳ thi THPT quốc gia sau 2 năm thay đổi từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm. Ưu điểm thì người ta đã nói nhiều, khen nhiều. Còn những khuyết điểm và sự bất cập của hình thức thi trắc nghiệm này đã có cơ hội “phô diễn”.

Điều quan trọng hơn là với hình thức thi trắc nghiệm ở tất cả các môn thi hiện nay (trừ môn Ngữ văn), liệu có đánh giá chính xác và công bằng về năng lưc học của tất cả các học sinh và chất lượng bài thi của các thí sinh không?

“Diễn biến của “vụ Hà Giang” có thể sẽ còn thêm nhiều tình tiết phức tạp nhưng cần được sáng tỏ để lấy lại sự công bằng cho các thí sinh. Tôi ghi nhận sự chỉ đạo kịp thời của Bộ GD-ĐT và mong Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang nhanh chóng minh bạch những sai phạm để xử lý một cách sòng phẳng “lợi ích nhóm” của một nhóm người trên tinh thần thượng tôn pháp luật”, thầy Hiếu bày tỏ.

Đọc thêm