“Phù phép” nhập hàng tấn san hô, bức hại môi trường biển

(PLO) - Chỉ trong vòng tháng 11/2013, Cơ quan đại diện Cites phía Nam (Cites phía Nam, đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, chuyên quản lý các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc phạm vi của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) đã liên tiếp cấp hàng loạt giấy phép cho doanh nghiệp tại TP HCM xuất khẩu san hô có nguồn gốc là san hô lậu. Ngay cả khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã có văn bản chỉ đạo thu hồi toàn bộ giấy phép đã cấp cho những lô san hô để xuất khẩu, Cites Phía Nam vẫn tiếp tục tìm đủ mọi cách “phù phép” cho hàng tấn san hô còn lại. 
“Phù phép” nhập hàng tấn san hô, bức hại môi trường biển
Từ quyết định đấu giá trái luật
Ngày 26/8/2013, Công an huyện Tuy Phong (Bình Thuận) ra Quyết định số 933/QĐ-CAH bán chỉ định tài sản tịch thu gồm 192 bao san hô vụn (san hô đá) có khối lượng 8.060kg do Công an huyện bắt giữ tịch thu. Số san hô nêu trên được bán cho người mua là ông Đỗ Văn Tươi - Giám đốc Cty TNHH MTV Cá Nhiệt Đới Xanh Tươi (Cty Xanh Tươi, có địa chỉ 121/4 Mễ Cốc, phường 15, Q.8, TP.Hồ Chí Minh) với trị giá hơn 10,8 triệu đồng. 
Liên quan trực tiếp đến quyết định đấu giá trên, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đã vào cuộc xác minh thấy rằng, tuy là đấu giá tài sản nhưng lại không thành lập Hội đồng, vi phạm Nghị định (NĐ) số 07/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản. 
San hô là loại hàng hóa đặc thù, kinh doanh có điều kiện nằm trong Phụ lục quản lý của Công ước Cites nhưng các căn cứ trên quyết định bán đấu giá lại không có sự tham khảo của cơ quan quản lý chuyên ngành của địa phương, vi phạm nghiêm trọng NĐ số 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2005 và NĐ 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006. Ngoài ra, ngay quyết định bán tài sản cũng không hề ghi rõ loài san hô, tên khoa học, kích thước cụ thể, mô tả hình dạng của san hô.
Như vậy, san hô thuộc sản phẩm cấm kinh doanh, không được thực hiện các hoạt động liên quan đến thương mại như mua bán, vận chuyển, tàng trữ, cho tặng… Do đó, quyết định bán chỉ định tài sản tịch thu số san hô vụn của Công an huyện Tuy Phong đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam. 
Thế nhưng ngay sau đó, từ ngày 30/9 – 28/10/2013, Cơ quan Cites phía Nam lại liên tiếp cấp bốn giấy phép cho Cty Xanh Tươi xuất khẩu  940kg san hô vụn Scleractinia  đi Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Malaysia, Đức, Brazil và Các tiểu vương quốc A Rập thống nhất. 
Bộ chỉ đạo thu hồi, vẫn “phớt lờ”
Không chỉ bất thường về nội dung trong quyết định bán đấu giá của Công an huyện Tuy Phong, chỉ sau đó 34 ngày (quyết định  đấu giá từ ngày 26/8/2013 đến ngày 30/9/2013) Cty Xanh Tươi đã được Cites phía Nam cấp phép cho xuất khẩu. Trong khi đó, mẫu vật san hô được Cty Xanh Tươi mua đấu giá về làm giá thể nuôi cấy san hô mềm thì phải tuân thủ theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS của Bộ Thủy sản ngày 20/3/2006 và Thông tư số 62/2008/TT-BNN của Bộ NN&PTNT ngày 20/5/2008; phải được cơ quan quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh cho phép; việc nuôi cấy phải có hội đồng khoa học đánh giá, thẩm định… 
Như vậy, liệu chỉ trong thời gian ngắn Cty Xanh Tươi đã nuôi cấy thành công hàng loạt san hô để đủ điều kiện xuất khẩu?. Cites phía Nam đã “bỏ qua” hay không biết về quy định của Bộ NN&PTNT để cấp phép cho Cty Xanh Tươi?.
Thực tế, trong báo cáo ngày 15/11/2013 của Cơ quan quản lý Cites Việt Nam về kết quả xác minh nguồn gốc san hô vụn và quá trình cấp phép tại Cites phía Nam đã cho rằng:  Qua nghiên cứu hồ sơ và làm việc với Cites phía Nam, nhận thấy chưa đủ căn cứ để cấp phép xuất khẩu; trước khi cấp phép xuất khẩu cho lô hàng nêu trên, Cites phía Nam chưa tới kiểm tra mẫu vật. 
Trước những bất cập này, ngày 19/11/2013 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu ban hành quyết định thu hồi số giấy phép Cites xuất khẩu san hô vụn (Scleractinia spp) đã cấp cho Cty Xanh Tươi trước ngày 3/12/2013, đồng thời thông báo cho các cơ quan hải quan có liên quan biết, phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, ngay chỉ đạo này cũng bị Cites phía Nam “phớt lờ”. Họ tiếp tục tìm cách “phù phép” cho Cty Xanh Tươi xuất khẩu san hô. 
Mánh lới của công ty này là tổ chức mời đại diện Viện nghiên cứu Hải sản và Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP HCMngày 23/11/2013 để cùng phối hợp kiểm tra, giám định mẫu san hô vụn làm giá thể nuôi cấy san hồ mềm tại Cty Xanh Tươi.
Kết quả kiểm tra là: Theo báo cáo của Cty Xanh Tươi, trong số 8.060kg san hô đá đã mua nêu trên, có 480 kg san hô đá Cty đã sử dụng làm giá thể cấy ghép san hô mềm đã xuất khẩu; 1.800kg san hô đá Cty sử dụng để làm giá thể cấy ghép 9.000 cá thể của ba loài san hô mềm đang nuôi tại các bể của Cty; ghi nhận năng lực sản xuất dự kiến Cty Xanh Tươi tương ứng với số lượng 5.780kg san hô đá đang lưu trữ và đây sẽ là cơ sở để Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP HCM(Chi cục TP.Hồ Chí Minh) xác nhận số lượng giá thể san hô đã chết của Cty Xanh Tươi được phép xuất khẩu khi có yêu cầu của Cơ quan quản lý Cites. 
Như vậy, qua hàng loạt “phương pháp” kiểm tra, giám định, giám sát thì toàn bộ 8.060kg san hô của Công an Tuy Phong tịch thu từ buôn bán, khai thác lậu đã được “phù phép” thành công để doanh nghiệp xuất khẩu.

Đọc thêm