Hiện nay, tại một số khu dân cư trong tỉnh Phú Thọ, người mắc bệnh tâm thần sống chung với mọi người trong cộng đồng. Do mất nhận thức không làm chủ được hành vi, người bệnh tâm thần có thể tấn công gây thương tích cho người khác, gây mất trật tự, cản trở giao thông, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng người khác. Song, để quản lý hiệu quả các đối tượng này lại là vấn đề nan giải.
Thực tế, công tác quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, bởi đa số bệnh nhân tâm thần mãn tính cần được theo dõi, chăm sóc toàn thời gian. Nhiều bệnh nhân có điều kiện kinh tế khó khăn, cư trú ở địa bàn miền núi xa xôi, giao thông đi lại khó khăn phải chữa trị dài ngày dẫn đến khánh kiệt. Trong đó nguồn lực của gia đình, cộng đồng chưa thể đáp ứng dẫn đến một số sự việc đau lòng đáng tiếc xảy ra. Gần đây, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xảy ra 3 vụ trọng án mạng liên quan đến người bệnh tâm thần.
Dẫu biết người mắc bệnh tâm thần có thể có những hành vi nguy hiểm bộc phát bất cứ lúc nào, song hầu hết các gia đình đều cố tình giấu giếm không khai báo. Thậm chí, có trường hợp người tâm thần đã gây ra nhiều vụ tấn công người trong lúc lên cơn, nhưng gia đình vẫn quyết giữ lại để chăm sóc tại nhà. Trong khi đó, người dân thường có tâm lý tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng, còn trường hợp những người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng. Cho nên, đã có nhiều vụ án mạng như mẹ giết con, chồng giết vợ, con giết bố, giết hàng xóm… mà hung thủ là những người mắc bệnh liên quan đến tâm thần bị phát bệnh bất ngờ rồi gây ra những vụ việc đau lòng.
Phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần |
Bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành vấn đề xã hội lớn, nan giải. Trong khi đó, nhận thức của người dân về bệnh tâm thần còn rất hạn chế nên việc để người tâm thần sống cùng người thân trong gia đình sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đã có những quy định về quản lý người tâm thần tại địa phương, song công tác này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp từ phía gia đình người bệnh. Và những vụ án mạng đau lòng nêu trên là những lời cảnh báo về thực trạng này.
Các hoạt động chăm sóc người bệnh được thực hiện như truyền thông về chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng; tập huấn những khái niệm cơ bản về sức khỏe tâm thần; bệnh tâm thần phân liệt, bệnh động kinh, bệnh trầm cảm; những biểu hiện triệu chứng ban đầu của bệnh; cách chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, công tác quản lý, điều trị ngoại trú bệnh nhân tâm thần ở tuyến cơ sở. Tăng cường giám sát, bệnh nhân điều trị ngoại trú ở cộng đồng, cấp phát thuốc điều trị. Cung cấp các tài liệu tuyên truyền về các bệnh tâm thần thường gặp, cách chăm sóc hỗ trợ giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời giúp cho người dân hiểu biết về sức khỏe tâm thần, xóa bỏ mặc cảm định kiến trong cộng đồng đối với người bệnh.
Bệnh viện Tâm Thần Phú Thọ đang quản lý 3.556 người bệnh tại các trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Trong đó có 1.726 người bệnh tâm thần phân liệt, 1355 người bệnh động kinh, 339 người bệnh trầm cảm, 136 người bệnh rối loạn tâm thần khác. Với nhiều nỗ lực, thời gian qua, công tác quản lý, điều trị bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả cao.
Bác sỹ CKII – Lê Tiến Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Việc quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người mắc bệnh tâm thần đang điều trị trong cộng đồng tại tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, phải chữa trị dài ngày dẫn đến khánh kiệt. Bệnh nhân chuyển biến nặng hay tái phát nhưng không được gia đình quan tâm điều trị kịp thời, hoặc không thông báo cho cơ sở y tế. Có trường hợp bị gia đình bỏ rơi, dẫn đến đi lang thang, đập phá, gây mất an ninh trật tự, đe dọa tính mạng người thân, gia đình và cộng đồng nơi người bệnh sinh sống”.
Hiện nay, với tiến bộ của y học, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội. Song, để người mắc bệnh tâm thần được bình phục hoàn toàn, không tái phát bệnh, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế thì cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan và cả cộng đồng.