“Phù thủy” âm nhạc của những chiếc bát...

(PLVN) - Những chiếc bát dưới đôi tay khéo léo của ông Nguyễn Thanh Phúc lại cất nên những nốt nhạc cuốn hút. Hơn 40 năm qua, ông giáo làng này coi đàn bát là một trong những tình yêu lớn nhất đời mình. 
Ông Nguyễn Thanh Phúc trổ tài chơi đàn bát
Ông Nguyễn Thanh Phúc trổ tài chơi đàn bát

“Bộ đàn” đặc biệt 16 chiếc bát

Trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương (Nghệ An), ông Nguyễn Thanh Phúc (69 tuổi) dành ra một gian nhà để trưng bày các loại nhạc cụ dân tộc mà mình sưu tầm được. Trong đó, nổi bật nhất là đàn bát. Đặc biệt ở chỗ, đó chỉ là những chiếc bát đơn thuần, nhưng dưới đôi tay khéo léo của ông Phúc đã phát ra những âm thanh, bản nhạc, cuốn hút người nghe.

Trước sự tò mò của những vị khách, ông Phúc vui vẻ thể hiện tài năng. Trên chiếc bàn gỗ đặt một dãy bát đủ các kích cỡ, ông Phúc trong trang phục dân tộc, dùng đôi đũa tự tin chơi bản “Trống cơm” một cách điêu luyện. Âm thanh phát ra từ những chiếc bát đúng đến từng nốt nhạc của bài hát. 

Chia sẻ về đam mê “không giống ai” của mình, ông Phúc cho hay, bộ đàn bát này là tập hợp những chiếc bát có âm thanh “sắc sảo” được sưu tầm hàng chục năm. Để có những chiếc bát này, ông phải đến nhiều nhà thờ họ, các quán hàng, chợ, nhà dân khắp các vùng quê tìm kiếm.

Sau khi tập hợp được một số bát có âm thanh “đạt chuẩn”, xác định được âm sắc từng chiếc bát, ông ghép thành chiếc đàn bát với đủ các cung bậc âm thanh từ thấp đến cao. Bộ đàn này được bổ sung theo thời gian. Mặt đàn là một tấm gỗ gắn xốp có khoét lỗ để cố định những chiếc bát.

Ngồi mân mê những chiếc bát cũ kỹ, ông Phúc tâm sự, lúc đầu bộ đàn chỉ có 7 chiếc bát, sau quá trình sưu tầm, lựa chọn kỳ công; đến nay bộ đàn đã có 16 chiếc. Nếu nhìn bằng mắt thường thì những chiếc bát này giống như nhiều chiếc bát ăn cơm quen thuộc nhà nào cũng có. Nó chỉ khác biệt khi gõ vào, lúc đó âm thanh phát ra rất vang. Đó là điều mà ông Phúc tận dụng để làm nên sự khác biệt cho bộ đàn bát của mình.

Theo ông Phúc, chơi đàn bát khá lỉnh kỉnh vì phải mang theo nhiều thứ, bàn, bát, nước. Điểm mấu chốt khiến những chiếc bát phát ra âm thanh khác nhau là mực nước trong bát. Nhờ nước, âm thanh được cộng hưởng tạo nên nốt nhạc nghe trầm ấm, êm ái, không bị thô. Mỗi chiếc bát được định lượng mức nước phù hợp để tạo nên âm thanh mong muốn.

“Mức nước trong bát ảnh hưởng lớn đến chất lượng âm thanh, do đó phải đổ nước đúng tỷ lệ để tạo nên âm thanh chuẩn. Những chiếc bát trong bộ đàn này đã được đánh dấu mức nước, khi chơi chỉ việc đổ nước vào và sắp xếp theo thứ tự”, ông Phúc “bật mí” về kỹ thuật biểu diễn đàn bát.

Thầy giáo đa tài

Ông Phúc vốn là giáo viên dạy thể dục tại trường làng. Tuy nhiên, ông lại có niềm đam mê đặc biệt với nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn bát. Tính đến nay, ông Phúc đã có hơn 40 năm gắn bó với đàn bát.

Để nâng cao tay nghề, ông chủ yếu học hỏi từ các nghệ sĩ, bạn bè và thông qua truyền hình hay tự mày mò tìm hiểu thực tiễn. Qua thời gian tập luyện lâu dài, với bộ đàn bát độc đáo, ông Phúc có thể chơi được nhiều bản nhạc vui tươi, sống động như: “Chiếc khăn piêu”, “Nổi lửa lên em”, “Tiếng đàn Ta Lư”…

Ông Phúc đã nhiều lần đem “đứa con tinh thần” này đi biểu diễn và giành được nhiều giải thưởng. Có thể kể đến giải A hội diễn văn nghệ cấp tỉnh Nghệ An, Huy chương Bạc hội diễn nghệ thuật toàn quốc… Đó lại càng là những động lực để ông dồn hết tâm huyết, tình yêu của mình vào bộ đàn đặc biệt. 

Nhiều năm qua, ngoài đàn bát, ông Phúc còn bỏ nhiều thời gian, công sức tìm kiếm, sưu tầm, chế tác các nhạc cụ dân tộc. Hiện trong nhà ông có trên dưới 60 nhạc cụ, gồm đủ các bộ: Hơi (sáo, tiêu, khèn, tù và, đàn môi…), dây (đàn bầu, thập lục huyền cầm, nhị, đàn đáy), da (trống cơm, trống tầm vông), gõ (tơ rưng, đàn đá, đàn bát). Riêng sáo có hàng chục chiếc với đủ loại: Sáo ngang, sáo độc tấu, sáo đệm dân ca, sáo mini, sáo mẹo kép, sáo bầu…

Trong số nhạc cụ này thì 2/3 là do ông sưu tầm, số còn lại do ông chế tác, tự tìm kiếm nguyên vật liệu rồi mày mò, nghiên cứu, đục đẽo, cắt gọt trên nhiều chất liệu khác nhau nhằm tạo nên sản phẩm mới. Trong đó, có những chiếc đàn phải làm mất cả năm trời, thậm chí 7 – 8 năm mới hoàn thiện.

Ông Phúc khoe, trong dịp Quốc khánh 2/9/2019, ông đã chế tác thành công chiếc đàn bầu đá nặng 100kg. Mặt đàn có hình bản đồ Thanh Chương trang trí nhiều hoa văn như mặt trống đồng, cờ Tổ quốc; Cần đàn làm từ sừng 1 con sơn dương già; Bầu đàn là chiếc vuốt chân của con trâu nước do một cụ ông ở huyện Kỳ Sơn tặng.

Không chỉ ham thích sưu tầm, chế tác nhạc cụ dân tộc, ông còn có thể chơi được các loại nhạc cụ có trong nhà, đặc biệt là thành thục các loại sáo trúc, sáo mẹo kép, sáo bầu, đàn bầu, đàn bát, đàn đá… Chia sẻ về niềm đam mê, ông cho hay: “Tôi yêu nhạc cụ dân tộc bởi nó gần gũi, dễ sắm, dễ làm, âm thanh cất lên là những giai điệu tự nhiên thân thiết. Với tôi nhạc cụ dân tộc là một phần của cuộc sống”.

Hiện ông Phúc là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) nhạc cụ dân tộc huyện Thanh Chương (Nghệ An). CLB sinh hoạt đều đặn hàng tháng, nhằm tạo ra sân chơi để những người yêu nhạc cụ dân tộc trong huyện gắn kết, tăng cường sự giao lưu, học hỏi. Chương trình của CLB đã được đưa vào phục vụ các lễ hội lớn, nhỏ tại địa phương. Hàng chục năm dành tình yêu cho đàn bát, hiện nay khi đã gần 70 tuổi, điều ông mong muốn nhất là tổ chức một “show” diễn nhạc cụ dân tộc.

Đánh giá về khả năng và đam mê của ông Phúc, bà Trần Thị Ngọc Dịu, cán bộ văn hóa thị trấn Dùng cho biết: “Thầy Phúc là người đa tài, nhiệt huyết, có niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc. Mặc dù cao tuổi nhưng thầy không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để làm nên những tác phẩm mới, hay, độc, lạ. Với năng khiếu và lòng nhiệt tình vốn có, thầy Phúc đã có nhiều đóng góp trong gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống và phong trào văn nghệ của địa phương. Sự nhiệt huyết và khả năng chơi nhạc cụ dân tộc của thầy là điều đáng ghi nhận”.

Đọc thêm