Phương án giá mua điện mặt trời: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói gì?

(PLVN) - Nguồn tin riêng của PLVN cho biết, trong quá trình xây dựng phương án giá ĐMT, Tư vấn quốc tế khuyên nên áp dụng cơ chế bốn vùng giá, nhưng Bộ Công Thương lại chỉ đề xuất phương án một giá? Phóng viên đã trao đổi với ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về vấn đề này.
Phó Cục trưởng Đỗ Đức Quân
Phó Cục trưởng Đỗ Đức Quân

Thưa ông, vì sao trước đây Bộ Công Thương đưa ra dự thảo phương án giá ĐMT sau ngày 30/6/2019 sẽ theo 4 vùng khác nhau?

- Trước đây Bộ Công Thương đề nghị 4 vùng trên quan điểm kỹ thuật và kinh tế nhưng thiên về kỹ thuật nhiều hơn, tức nếu phát triển theo 4 vùng sẽ tăng sử dụng nguồn ĐMT tại chỗ, giảm công suất đỉnh trong biểu đồ phụ tải, đỡ áp lực lên lưới điện. Và cho dù bức xạ mặt trời ở miền Bắc không cao nhưng vẫn có thể đầu tư nhà máy ĐMT do giá bán của nhà đầu tư cao hơn. 

Phương án 4 vùng này cũng có nhược điểm. Thứ nhất là phức tạp hơn do nhiều giá. Thứ 2 là sẽ có chuyện phải bù giá vì có vùng giá cao thì cũng phải có nơi khác bù lại, điều này có vẻ chưa hợp lý. Tuy nhiên, theo các nhà Tư vấn quốc tế, phương án 4 vùng vẫn có lợi về kinh tế vì tương lai giá điện vẫn sẽ tăng lên trong khi giá ĐMT lại được mua trong 20 năm nên về lâu dài việc “bù chéo” giữa các vùng sẽ giảm dần và tiến tới cân bằng. 

Vậy vì sao trong dự thảo trình Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương lại không chia giá ĐMT theo từng vùng như phương án Tư vấn quốc tế đánh giá là tối ưu mà lại quy thành một giá  cho 2 loại hình “ĐMT nổi” và “ĐMT mặt đất”?Bộ căn cứ vào đâu để đưa ra 1 khung như vậy?

- Thực ra vấn đề quan trọng nhất với đầu tư ĐMT là giá bán điện. Trong các dự thảo về giá sau ngày 30/6/2019, Bộ Công Thương đã đưa ra các phương án giá, có đánh giá ưu điểm, nhược điểm rõ ràng. Tại Báo cáo số 119 mới đây, Bộ cũng đã  phân tích ưu điểm, nhược điểm của các phương án 4 vùng, 2 vùng và 1 vùng. 

Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 29/5/2019, cuộc họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng chủ trì ngày 30/7/2019, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án áp dụng 1 giá, với mức giá đúng bằng giá của vùng 3 trong phương án 4 vùng trước đó. Như vậy, với dự thảo phương án 1 giá, thì giá bán điện tại các tỉnh có bức xạ cao như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai… sẽ cao hơn so với phương án giá 4 vùng trước đây. 

Trong cuộc họp của Chính phủ đều nghiêng về ý kiến 1 giá cho đơn giản và phát huy được tiềm năng những vùng bức xạ tốt. Căn cứ tiếp thu nên Bộ Công Thương đã chỉnh sửa thành phương án giá 1 vùng. Tuy nhiên, nếu theo phương án 1 vùng thì hiệu quả đầu tư của khoảng hơn 30 tỉnh của vùng 1, vùng 2 (theo dự thảo phương án 4 vùng) sẽ chưa tốt lắm. Nhưng cũng tùy từng khu vực của các tỉnh này có thể đầu tư được, ví dụ khu vực ven biển của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị có những vùng bức xạ cao nên vẫn có thể đầu tư. 

Tại Báo cáo 119, Bộ Công Thương cũng nêu rõ các nhược điểm của phương án 1 giá ĐMT trên toàn quốc như có tính khuyến khích thấp hơn đối với các dự án khu vực miền Bắc, Bắc miền Trung. Các dự án ĐMT đã quy hoạch tại vùng 1, vùng 2 theo dự thảo trước đây sẽ khó thực hiện hơn. Các dự án tại vùng 4 (vùng bức xạ cao nhất) theo dự thảo trước đây sẽ được hưởng giá cao hơn so với phương án giá 4 vùng, do đó các khu vực tiềm năng bức xạ tốt này có nguy cơ quá tải lưới truyền tải do tập trung quá nhiều dự án ĐMT. Do các dự án ĐMT chỉ tập trung tại 1 vùng nên khả năng vận hành điều độ hệ thống truyền tải sẽ khó khăn hơn, công tác đền bù giải phóng mặt bằng càng khó khăn hơn. 

Để giải quyết câu chuyện quá tải, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án truyền tải điện cần nâng cấp, mở rộng, cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế - xã hội để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo từ các nguồn lực của các thành phần kinh tế tư nhân. 

Vì vậy, với phương án 1 giá thì công tác quy hoạch điện cũng phải cân nhắc, cân đối chi tiết từng vùng. Các đơn vị liên quan đều phải cân nhắc tính toán hợp lý nhất để không xảy ra thiệt hại nếu như đầu tư lưới điện không theo kịp tiến độ đầu tư dự án ĐMT. 

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm