Phương án thi THPT Quốc gia 2018: Lại thay đổi?

(PLO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến về hai phương án thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Không chỉ các trường lo lắng mà việc có nên thay đổi phương án thi THPT hay không cũng khiến nhiều học sinh, phụ huynh hoang mang bởi phải điều chỉnh cách học của mình, sao cho vừa đảm bảo đỗ tốt nghiệp mà vẫn đạt được mục tiêu vào đại học. 
Thầy trò mong giữ ổn định, học gì thi đó (Ảnh minh họa)

Tách bài thi tổ hợp thành 3 đầu điểm

Theo đó, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, các thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập toán, ngữ văn, ngoại ngữ cùng 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH). Trong đó, bài thi KHTN là tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học còn bài thi KHXH là tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với giáo dục phổ thông; và tổ hợp môn lịch sử và địa lý đối với giáo dục thường xuyên. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và/hoặc bài thi KHTN hoặc KHXH phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Đối với 2 bài thi tổ hợp, Bộ GD-ĐT đang đưa ra 2 phương án để các trường cho ý kiến. Phương án một, giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017. Phương án hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017.

Bộ GD-ĐT cho hay là nếu theo phương án hai, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển trong đó bắt buộc phải có một bài thi ngữ văn hoặc toán; hoặc một bài thi ngữ văn hoặc toán và một hoặc hai đầu điểm thi năng khiếu, điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn quy định trong đề án tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT cho rằng việc đưa ra phương án mới đối với bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.

 Thế nhưng, thực tế, chia sẻ về “bài thi tổ hợp”, GSTS Đỗ Văn Xê cho rằng đây là lối “chơi chữ” nhằm gây sự nhầm lẫn trong xã hội rằng có sự “đổi mới” trong thi cử. Thực chất đó chỉ là cách để thi cả 3 môn trong cùng 1 buổi thay vì phải thì trong 3 buổi riêng lẻ. Vì thực chất bài thi đó là 3 môn thi riêng lẻ. Các đề thi độc lập với nhau chứ đâu có “tổ hợp” gì đâu. Lối chơi chữ này đã gây ra sự rắc rối là làm cho phát sinh 2 khái niệm “bài thi” và “môn thi”. 

Chính vì “cái gọi là tổ hợp” này đã kéo theo nhiều phiền toái khác như cả 3 môn thành phần phải làm bài chung trên 1 phiếu trả lời trắc nghiệm (PTLTN) do đó cả 3 môn phải có cùng 1 mã đề thi. Vì trên PTLTN chỉ có 1 chỗ ghi mã đề thi. Vì bài làm của cả 3 trên cùng 1 PTLTN nên phải in phiếu dành cho 120 câu hỏi kéo theo các môn thi độc lập khác cũng phải dùng PTLTN cho 120 câu hỏi mặc dù các môn đó chỉ có 60 câu hỏi. Kinh nghiệm chấm thi trắc nghiệm cho thấy nếu PTLTN có nhiều câu hỏi quá thì vị trí nhận dạng bài làm của thí sinh sát nhau quá sẽ có nhiều khả năng gây ra sai sót mặc dù chấm bằng máy. Kết quả chấm phúc khảo trong kỳ thi THPT vừa rồi đã cho thấy điều đó.

Thí sinh hoang mang 

Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án về bài thi tổ hợp, có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên phương án tổ chức thi và xét tuyển như năm 2017, chỉ cần khâu đề thi có sự phân hóa cao hơn để các trường có thể chọn được những thí sinh có năng lực thực sự. Nếu thi bài tổ hợp mà chỉ lấy một đầu điểm rất khó xét tuyển.

Ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng việc chỉ tính một đầu điểm như phương án 2 sẽ thuận lợi cho các trường nhưng dưới góc độ học sinh thì có thể sẽ gặp khó khăn. Bởi thông thường khi vào lớp 10 thì thí sinh đã định hướng theo KHTN hay KHXH. Nếu chọn khối ngành tự nhiên thì các em có thể chọn khối A (toán - lý - hóa) hoặc khối B (toán - hóa - sinh). Như vậy, những em định hướng khối A thì năm lớp 10-11 đã không chú ý đầu tư cho môn sinh, nay lên lớp 12 lại bảo các em phải thi sinh thì e rằng các em sẽ không đủ thời gian.

Còn TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM chọn phương án 1, đó là, giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (giống như năm 2017). Theo ông, Bộ không nên thay đổi, vì thay đổi liên tục sẽ gây xáo trộn tâm lý học sinh, phụ huynh. Bộ nên tập trung vào điều chỉnh tăng độ khó của đề thi, từ đó phân loại thí sinh tốt hơn, tạo điều kiện cho các trường đại học thuận lợi hơn trong tuyển sinh, chứ chưa nên thay đổi phương án thi. 

Ngược lại, thầy Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc đồng ý với phương án thứ 2 và lý giải rằng, việc tuyển chọn của các trường đại học có thể dựa vào điểm số của 1 môn trong số các môn thí sinh thi như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cộng thêm 1 bài thi tổ hợp. Việc này sẽ giúp cho việc chấm thi dễ dàng hơn, không bị rời rạc, giảm tình trạng học lệch, học tủ. Cũng có nhiều luồng ý kiến khác cho rằng nên thay đổi theo hướng chuyển bài thi tổ hợp thành tích hợp, nhưng chưa nên áp dụng ngay trong năm học 2017-2018.

 Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến không tán thành cả 2 phương án mà  Bộ đưa ra và cho rằng, cả hai phương án đều có vấn đề. Ở phương án 1 thì bất cập gây khó khăn cho việc tổ chức thi, chấm thi và tuyển sinh của các trường đại học như chúng ta đã nhìn thấy. Còn nếu thực hiện phương án 2 cũng rất khó thực hiện vì làm thế nào có thể ra được một bài thi tích hợp của 3 bộ môn Sử, Địa, Giáo dục Công dân thành một bài thống nhất, vì  các môn đâu có dính dáng đến nhau. Việc ra đề thi như vậy rất khó, và bài thi chắc chắn vẫn bị rời rạc.

Do đó, Bộ nên xem xét lại cách ra đề thi, mỗi môn học là một bài thi riêng, không nên làm kiểu bài tổ hợp như 2017 hay bài thi tích hợp. GS Văn Như Cương thẳng thắn: “Thời gian không còn nhiều, Bộ phải quyết định sớm, khẳng định rõ ràng phương án để học sinh còn tập trung học tập và ôn luyện, chứ năm nào Bộ cũng rập rờn thay đổi như thế này khiến cho học sinh hoang mang, không biết xoay kiểu gì?”. 

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng nên giữ như năm 2017 để làm cho tốt còn đổi mới  tính sau. Đổi mới nhiều quá phụ huynh, học sinh sẽ hoang mang. Theo thầy, trong thi cử cần ổn định. Nội dung nào không cần thiết thì không nên thay đổi… Và nói như GS. TS Đỗ Văn Xê  thì cỗ xe vẫn chạy tốt, sao phải đổi… 

Đọc thêm