Phương thức bắt tội phạm của FBI

(PLO) - Bộ Tư pháp Mỹ gần đây thông báo Nicholas Young, một sỹ quan cảnh sát phụ trách khu vực tàu điện ngầm ở thủ đô Washington D.C., đã bị buộc tội âm mưu hỗ trợ vật chất cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các nhân viên điều tra khám xét nhà riêng của Nicholas Young
Các nhân viên điều tra khám xét nhà riêng của Nicholas Young

Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), đây là sỹ quan thực thi pháp luật đầu tiên ở Mỹ bị cáo buộc phạm tội liên quan đến khủng bố. Young, 36 tuổi, khai hắn đã mua các thẻ quà tặng trị giá gần 250 USD cho các tài khoản tin nhắn di động mà IS sử dụng để tuyển thành viên mới, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ hoạt động trao đổi thông tin.

Tuy nhiên, người nhận được các thẻ quà tặng từ Young thực ra là một đặc vụ ngầm của FBI. Young tiếp xúc với đặc vụ ngầm này hơn 20 lần từ vài năm qua và bày tỏ quan tâm đến các hoạt động khủng bố. Young chỉ cho đặc vụ FBI làm thế nào để thiết lập tài khoản email, tin nhắn văn bản ẩn danh cũng như cách để đến Syria gia nhập IS mà không bị bắt.

Bên cạnh đó, Young đã nhiều lần gặp Amine El Khalifi trước khi tên này bị bắt năm 2012 do lên kế hoạch đánh bom liều chết tòa nhà quốc hội Mỹ. Young làm cảnh sát giao thông tại Washington từ năm 2003, đã cải sang đạo Hồi.

Từ năm 2010 Young đã bị ngầm theo dõi về mối quan hệ với người bạn có tên Zachary Chesser - kẻ đã bị buộc tội tài trợ tổ chức khủng bố nước ngoài - và từng tới Libya năm 2011. Nếu bị kết tội, Young sẽ phải đối mặt với mức án tối đa 20 năm tù giam.

“Thả mồi câu cá”

Đây không phải là lần đầu tiên FBI dùng phương thức “thả mồi câu cá” (Người Mỹ gọi là “Sting Operation”) để giăng bẫy các đối tượng bị nghi ngờ. Luật pháp Mỹ cho phép áp dụng phương thức này đối với những vụ án phức tạp, việc thu thập chứng cứ khó khăn.

Bộ phim “American Hustle” về đề tài hình sự của Điện ảnh Mỹ phát hành năm 2013 do David O. Russell đạo diễn đã giành giải Osca lần thứ 71 có kịch bản được viết dựa trên chiến dịch ABSCAM của FBI cuối thập niên 70 đầu thập niên 80.

Trong đó, 2 kẻ lừa đảo được một nhân viên FBI mời - ép hợp tác trong một chiến dịch nhằm phơi bày một đường dây tham nhũng của các chính khách, bao gồm cả thị trưởng Camden, New Jersey.

“Thả mồi câu cá” đã thành thứ vũ khí lợi hại để FBI sử dụng phá các vụ án phạm tội xâm hại tình dục trẻ em và chống tham nhũng, khám phá các gián điệp chính trị và kinh tế của nước ngoài hoạt động trên đất Mỹ, phá vỡ các tổ chức tội phạm buôn lậu ma túy, các băng nhóm xã hội đen…

Tu chính án số 5 của Hiến pháp Mỹ cho phép dân chúng có quyền giữ im lặng khi bị cảnh sát tra hỏi; Tu chính án số 6 đảm bảo quyền được mời luật sư của công dân, Luật Hình sự Mỹ giao trách nhiệm lấy chứng cứ cho các công tố viên.

Để thu thập đầy đủ chứng cứ, ngành thực thi pháp luật thường cố ý giăng bẫy, hoặc cử đặc vụ ngầm điều tra, hoặc thông qua thả mồi để giăng bẫy bắt đối tượng bị tình nghi. Số vụ nhân viên chấp pháp liên bang thả mồi câu cá để phá án rất nhiều, có tới trên 80% vụ án hình sự của tòa án liên bang thu thập chứng cứ qua phương thức này.

Tuy nhiên, Luật Hình sự Mỹ cũng cấm “dẫn dụ phạm tội”, quy định nhân viên chính phủ không được có ý đồ dẫn dắt các công dân vô tội vào con đường phạm tội, hoặc cố ý dẫn dụ những người trong sạch phạm tội. Muốn chứng thực nhân viên chính phủ dẫn dụ phạm tội, bị cáo phải có đủ chứng cứ chứng minh hai điểm: việc xảy ra hành vi nhân viên chính phủ dẫn dụ phạm tội và trước khi gây án, bị cáo không có ý đồ hoặc khuynh hướng phạm tội.

Rất nhiều vụ án cho thấy, chỉ có nhân viên chấp pháp mới có thể chứng thực đặc vụ chìm có cố ý dẫn dụ phạm tội hay không? Nhưng trong những trường hợp này quan tòa thường kết luận việc “thả mồi câu cá” là không phạm pháp.

Nicholas Young tại tòa án
Nicholas Young tại tòa án

Lập trường đại học giả để “câu” sinh viên

Năm 2012, tình trạng làm văn bằng giả lan tràn khiến chính phủ Mỹ rất lo ngại, FBI lập tức tổ chức ra các “đội đánh bằng giả”. Họ đã lập ra một trường đại học giả mang tên “Đại học Bắc New Jersey” (UNNJ), dùng giá trị giả, thả mồi bắt cá. Để cho đáng tin, họ cho thiết kế cả logo nhà trường, lập trang web rất công phu với đầy đủ các mục với nhiều thông tin được cập nhật liên tục. Thậm chí còn mở cả fanpage trên mạng xã hội, đăng ảnh trụ sở, khuôn viên nhà trường.

Sau đó, UNNJ không giảng viên, không giáo trình, không phòng học đó được rầm rộ “mở cửa chiêu sinh” từ tháng 9/2014. Tháng 4/2016, UNNJ bị Cục an ninh nội địa xác định là trường đại học dỏm, nhiều cơ sở môi giới trung gian cung cấp văn bằng giả của trường này cho sinh viên bị điều tra, hơn 20 người bị bắt.

Những người này đã bị kết tội có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiêu sinh sinh viên quốc tế cho UNNI với số học phí rất lớn để nhận bằng mà không cần học. Có tới mấy ngàn lưu học sinh Trung Quốc đã dính đòn, có nguy cơ tiền mất tật mang, nhiều người đã sang Mỹ nay sẽ phải tay trắng về nước.

“Thả câu” hạ gục chính khách gốc Hoa

Năm 2011, một đặc vụ chìm của FBI tiềm nhập thành công vào một tổ chức nổi tiếng của người Hoa ở New York có tên “Ngũ Châu Hồng môn Chí công Tổng đường” đã có lịch sử hơn 150 năm, mai phục ở đây với tư cách là “cố vấn”. Mục tiêu ban đầu FBI nhằm tới là Chu Quốc Tường, người đứng đầu “Chí công Tổng đường”.

Năm 2000, Tường bị bắt giam vì các tội mưu sát, buôn ma túy và đốt nhà. Sau khi được thả năm 2006, Tường trở thành đại ca của tổ chức này. Đặc vụ chìm FBI phát hiện, Tường có quan hệ rất khăng khít với các băng nhóm xã hội đen người Hoa. Qua điều tra Chu Quốc Tường đã lần ra một ngôi sao chính trị người gốc Hoa: ông Dư Dận Lương, Thượng nghị sĩ người gốc Trung Quốc đầu tiên của bang California trong 156 năm qua.

Tháng 3/2014, Lương bị bắt và bị Tòa án Liên bang Hoa Kỳ chính thức khởi tố về 8 tội danh như tham nhũng, mua bán vũ khí trái phép… Bản khởi tố Dư Dận Lương nêu rõ: ông đã nhận mấy vạn USD tiền quyên góp chính trị từ Chu Quốc Tường để dùng vào việc chạy đua chiếm ghế Thị trưởng San Francisco năm 2011 và bộ trưởng tiểu bang năm 2014. Để đổi lại, Dư Dận Lương đã trao giải thưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phi pháp của Tường.

Với những phát hiện đó, FBI đã tròng được vào cổ Dư Dận Lương. Năm 2013, một đặc vụ FBI khác giả dạng chủ xí nghiệp sản xuất thuốc gây mê dùng trong y tế đã tặng Lương 21.000 USD làm kinh phí tranh cử, sau đó Lương đã sắp xếp để người này gặp gỡ 2 nghị sĩ bang.

Qua đặc vụ nằm vùng, FBI đã phát hiện được Dư Dận Lương tuy ngoài miệng luôn nói ủng hộ việc kiểm soát súng đạn, nhưng lại ngầm tổ chức buôn bán súng và tiếp xúc với các băng nhóm thế lực xã hội đen để quyên góp kinh phí tranh cử.

Một đặc vụ FBI đã nhân cơ hội này giả làm trùm xã hội đen tiếp xúc với Lương, đề nghị mua một số súng đạn, Lương lập tức hứa hẹn giúp đối phương có được số súng trị giá từ 500 ngàn đến 2,5 triệu USD, trong đó bao gồm cả vũ khí hạng nặng. Đổi lại, người này cam kết sẽ ủng hộ số lớn tiền để Lương tranh cử.

Các nhân viên FBI khi hoạt động công khai
Các nhân viên FBI khi hoạt động công khai

Thất bại và những tranh cãi

Tuy mang lại hiệu quả rõ rệt, nhưng không phải vụ nào cũng thành công, vì vậy việc sử dụng phương thức này hiện vẫn đang gây nên nhiều tranh cãi. Ví dụ, Cục quản lý thuốc lá, rượu cồn, súng ống, vật liệu nổ trực thuộc Bộ Tư pháp nhiều lần cố ý để các cửa hiệu bán súng đạn ở bang Arizona bán súng trái phép để họ lần theo, truy tìm các đường dây buôn lậu súng, qua đó đã diệt hoạt động buôn bán ma túy và xâm nhập vào Mỹ của các băng nhóm xã hội đen Mexico.

Năm 2009, Cục này tiến hành chiến dịch “Thả mồi câu cá” chống tội phạm buôn bán súng đạn lớn nhất trong lịch sử mang tên “Fast & Furious” định hốt gọn mạng lưới giao dịch vũ khí ngầm ở Mỹ. Trong chiến dịch này, sau khi phát hiện các phần tử khả nghi tìm mua vũ khí, các nhân viên điều tra đã “thả mồi” để “bắt cá lớn”.

Nào ngờ kết cục chỉ bắt được mấy con “cá nhỏ’ còn hơn 2000 khẩu súng “thả mồi” đã bị rơi vào tay bọn tội phạm buôn ma túy. Đây được coi là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử sử dụng phương thức “Sting Operation” ở Mỹ.

Tháng 10/2014, FBI bị tố cáo lợi dụng danh nghĩa Hãng thông tấn AP và mô phỏng trang web của “Thời báo Seatle”, ngụy tạo trang mạng thông tin giả, cài phần mềm xấu, thực hiện thả câu để truy tìm một phần tử tình nghi đe dọa đánh bom khủng bố.

Thông thường chỉ có tội phạm mạng mới sử dụng trang web để truyền bá phần mềm độc hại, nhưng FBI đã tự mình bước vào vùng cấm. Hành động này đã bị giới truyền thông và các tổ chức đấu tranh bảo vệ quyền bí mật riêng tư lên án mạnh mẽ...

Đọc thêm