Người ta thường biết đến một Picasso đầy tài năng và có phần kiêu ngạo – người hiểu rõ sức mạnh nghệ thuật và sự quyến rũ của bản thân; nhưng có lẽ ít ai hiểu rõ những khía cạnh nhạy cảm, phức tạp, những góc tối ẩn giấu sâu trong tâm hồn ông.
Trong cuốn sách “Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt”, tác giả Miles J. Unger kể về cuộc đời của Pi- casso – ông không chỉ nổi tiếng bởi những thành tựu trong nghệ thuật: một trong những nghệ sĩ năng-sản nhất (với hơn 80.000 tác phẩm đủ loại chủ đề và chất liệu: hội họa, điêu khắc, in ấn, sân khấu, gốm,...), đồng sáng tạo thủ pháp cắt-dán hay chủ nghĩa Lập thể trứ danh, mà còn bởi cuộc đời bí ẩn của mình.
Giống như nhiều vĩ nhân (và với Picasso, còn là người có phần riêng tư kín đáo), song hành cùng danh tiếng của ông là vô số các giai thoại, các câu chuyện liên quan tới tác phẩm, rồi cả những tin đồn, như việc yêu đương, thói trăng hoa, quan điểm chính trị, hay bị nghi ngờ là đồng phạm trong vụ trộm bức tranh Mona Lisa táo tợn ở bảo tàng Louvre,... càng khiến hình tượng “thiên tài” của Picasso thêm phi thường, bí ẩn, và đặc biệt gây tranh cãi. Mâu thuẫn, bất ổn, đòi hỏi, ngang ngược, và u ám... càng lắm tài nhiều tật, càng có thêm nhiều người quan tâm, chú ý cũng như nhiều nỗ lực tường giải về con người, cuộc đời và nghệ thuật phi thường của Picasso.
Các tác phẩm của Picasso thường được phân loại theo các thời kỳ khác nhau, trong đó có giai đoạn từ 1909 đến 1919 được chú ý hơn cả bởi đây là thời kỳ mà Picasso phát triển phong cách vẽ Lập thể mà sau này trở thành một trường phái hội họa – cuộc cách mạng về hội họa và điêu khắc châu Âu vào đầu thế kỷ 20 và là nguồn cảm hứng vô tận cho những thế hệ sau trong các lĩnh vực khác như kiến trúc, nội thất... Chủ nghĩa Lập thể phá vỡ nguyên tắc tạo hình truyền thống của hội họa từ hàng thế kỷ trước, khiến những hình khối, mảnh ghép và góc cạnh của đối tượng được trưng bày dưới lăng kính không-thời gian trên mặt phẳng tranh, mà bức tranh “Những cô nàng ở Avignon” (1907) đầy táo bạo đã đánh dấu thời khắc ấy.
“Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt” là một tác phẩm tiểu sử nhưng giới hạn thời gian “cụ thể”, thay vì kể về câu chuyện cuộc đời theo dòng chảy thời gian một cách đơn thuần, tác giả chọn một điểm quy tụ (là thời khắc sáng tạo nên bức “Những cô nàng ở Avignon”) để thêu dệt nên những tình tiết quy chiếu có tác động đến thời khắc đó, đồng thời kiến tạo các mặt lập thể cho hình tượng người nghệ sĩ là tác giả của điểm tụ đó, cũng như cho đối tượng chính là bức tranh.
“Những cô nàng ở Avignon” là bức tranh đầu tiên Picasso thực sự là chính mình. [...] Sự thực là cho đến thời điểm này, ông vẫn kìm nén bản thân. Ngay cả những kiệt tác của thời kỳ trước như Cuộc sống và gia đình xiếc vẫn nằm trong một vỏ bọc không thực như vậy. Ta có thể cảm thấy ông dường như đã cố gắng vẽ theo sự mong đợi của mọi người. Với bức Những cô nàng ở Avignon phần tính cách thô lậu và báng bổ vốn luôn tồn tại trong ông – đôi khi hé lộ bên lề những cuốn sổ ghi chép hay bật ra trong các câu đùa thô tục cũng như trong sở thích đặc biệt của ông đối với những chốn nhớp nhúa – trở thành chính của con người nghệ sĩ trong ông. Bức Những cô nàng là thời điểm ông ngừng kiểm soát những bản năng xấu xa của mình mặc chúng thỏa sức tung hoành. (Trích Chương 10)
Để đến được với “Những cô nàng ở Avignon”, cuốn sách dẫn ta quay ngược thời gian khám phá cuộc sống luôn nằm giữa hai thái cực và những mâu thuẫn của người họa sĩ- tuổi thơ bao bọc bên gia đình nhưng trưởng thành sớm vì áp lực, đời sống lãng tử thỏa mãn tinh thần mà túng thiếu về vật chất; luôn quan sát, ít nói.
nhưng ánh mắt toát ra năng lượng thu hút lôi cuốn; tình bạn song hành với sự cạnh tranh cùng những tài năng đương thời; thờ ơ trước danh tiếng nhưng luôn tin sứ mệnh của mình là người dẫn đầu làn sóng Tiên phong; sức kiến tạo tột bậc bung ra khi lật đổ và hủy diệt các quy tắc nền tảng – rồi từ đó trả lời được câu hỏi rằng liệu sự thỏa hiệp của một thiên tài – liệu một Picasso khác – có mang lại điều gì sửng sốt hay không?
Thông qua lối kể chuyện đồng hiện, tỉ mỉ của tác giả Miles J. Unger, không gian Lập thể Picasso hiện ra từ hàng ngàn mảnh ghép: hình bóng của cha, José Ruiz y Blasco; cái chết của em gái Conchita hay bạn ông, Casagemas; các nhóm bạn ruột cùng những buổi đàm luận thâu đêm trong các quán cà phê nghệ sĩ; về Málaga, A Coruña, Barcelona, Horta d’Ebre hay Paris; về các “nàng thơ” Fer- nande hay Françoise; trên bậc thềm căn hộ ở Grands-Augustins, hay khi trong chiếc xe Hispano Suiza Coupe de Ville nổi tiếng; để rồi, trở về với những khi lục thùng rác kiếm ăn, những lúc đơn độc ở Bateau Lavoir và giai đoạn thai nghén cả một cuộc
cách mạng nghệ thuật;... tất cả hội tụ về thập kỷ mà Picasso kiến tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong nghệ thuật với “Những cô nàng ở Avignon” cùng chủ nghĩa Lập thể ở Bateau Lavoir, trái tim của đồi Mont- martre – cũng là quãng đời gian khó mà chính Picasso nâng niu gọi đó là những tháng ngày “thật sự hạnh phúc”.
Qua hơn 500 trang sách, cùng lối kể chuyện và phân tích tỉ mỉ đặc trưng của tác giả, cuộc đời 91 năm của Picasso nay hiện ra như một bức tranh ký ức khổng lồ: nó cho phép độc giả quan sát một cách đồng thời, bao quát và khách quan về cuộc đời cũng như diễn biến nội tâm phức tạp của một nghệ sĩ thiên tài bậc nhất thời Hiện đại, nằm trong một thời kỳ biến động hỗn loạn cả về chính trị lẫn nghệ thuật. Và không chỉ dừng ở một cuốn tiểu sử nghệ sĩ đơn thuần, “Pi- casso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt” khắc họa chân thực hình ảnh một con người hết-sức-con- người, một kẻ cả đời chiến đấu với những gì tăm tối nhất trong nội tâm, bắt chúng phải trở thành năng lượng cho các “sáng tạo” của ông.
Walter Isaacson, tác giả cuốn sách Leonardo da Vinci nhận xét: “Sự ra đời của chủ nghĩa Hiện đại một thế kỷ trước là một trong những thời khắc lịch sử vĩ đại nhất của quá trình phân nhánh sáng tạo, cũng như vật lý của Einstein, âm nhạc của Stravinsky, và các văn phẩm của Joyce và Proust. Một điểm sáng lớn là bức tranh đáng kinh ngạc của Picasso, và Miles Unger thể hiện đồng thời sự kịch tính và vẻ rực rỡ của sáng tạo đó trong cuốn sách ly kỳ này.”
Miles J. Unger là cây bút chuyên về nghệ thuật, sách và văn hóa cho các tạp chí lớn như The Economist và The New York Times. Ông từng là trưởng ban biên tập của Tạp chí Art New England và là cây bút tiểu sử nghệ thuật nổi tiếng. Các tác phẩm tiêu biểu của ông: “Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt (2018), “Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời” (2014), “Machiavelli” (2011).
“Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt” do Bùi Minh Hạnh, Nguyễn Thị Phương Lan, Lê Phương Thanh Uyên dịch, Nhà xuất bản Dân Trí và Omega Plus ấn hành.