Theo đó, Bộ GTVT vừa giao Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long tổ chức quản lý dự án tại Nội Bài; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) quản lý dự án tại Tân Sơn Nhất. Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, Tổng giám đốc CIPM được giao trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chất lượng, tiến độ hoàn thành các dự án.
Theo Bộ GTVT, việc cải tạo, nâng câp đường bay tại hai sân bay trên là rất cấp bách. Tại Nội Bài, trên bề mặt đường cất/ hạ cánh 11L/29R có hiện tượng hằn vệt bánh tàu bay. Với tình trạng hư hỏng nêu trên, trong điều kiện ngày nắng nóng và nhiệt độ cao (mùa hè sắp tới) sẽ xuất hiện thêm hiện tượng rạn bề mặt bê tông nhựa.
Khi gặp trời mưa tại các vị trí hằn lún vệt bánh có nước mưa đọng lại không thoát hết gây ảnh hưởng đến kết cấu đường cất/ hạ cánh. Đường cất/ hạ cánh 11R/29L cũng có nhiều tấm bê tông bị nứt vỡ, sắc cạnh; có một số khu vực bị phùn bùn. Hiện tượng nứt vỡ bong bật các tấm bê tông lên tục xảy ra tại các vị trí đã trám vá cũ.
Tương tự, tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường cất/ hạ cánh 25L/07R xuất hiện các vết nứt vỡ, sụt, lún. Mặt đường xuất hiện thêm một số miếng vỡ góc cạnh tấm. Đặc biệt đã xuất hiện một số vị trí vết nứt tập trung tại 4 tấm liên kết với nhau gây tình trạng lún bề mặt đường cất/ hạ cánh.
Xuất hiện các vết nứt, vỡ cạnh tấm tại các khe co giãn. Đường cất/ hạ cánh 25R/07L bê tông bị rạn nứt, lún, hằn vết bánh, lồi lõm gây đọng nước khi trời mưa, hiện tượng bong bật và dồn, lún nhựa ngày càng tăng, bê tông nhựa bị rạn nứt, giảm cường độ.
Trước đó, từ năm 2018, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã đề xuất Bộ GTVT cho phép ACV sửa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với chi phí 4.152 tỉ đồng. Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 25R/07L, bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa là hơn 1.800 tỷ đồng.
Đối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất/hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa là gần 2.300 tỷ đồng.
Theo quy định hiện nay, việc đầu tư, sửa đường cất hạ cánh tại sân bay phải được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo yếu tố an toàn hàng không quốc gia, trong khi AVC là công ty cổ phần nên không được đầu tư. Do vướng thủ tục nên dù nhiều đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuống cấp nhưng vẫn không được đầu tư cải tạo.
Như vậy, với phương án Bộ GTVT làm chủ đầu tư thì thủ tục để thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo hai sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ nhanh chóng được thực hiện.
Động thái trên của Bộ GTVT nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 41 của Chính phủ ngày 9/4/2020. Tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.