Cần 22 tỷ m3 khí cho phát điện
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện nay Việt Nam có 7.200MW điện khí. Việc phát triển nhiệt điện khí được đánh giá là rất cần thiết, đảm bảo được sự đa dạng các nguồn nhiên liệu sơ cấp cho phát điện; tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.
Nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, rất phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiệt điện khí sẽ kịp thời bổ sung nguồn điện khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết không đảm bảo. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khí sẽ vào khoảng 19.000MW, tương ứng với việc sẽ sử dụng 22 tỷ m3 khí cho phát điện.
Như vậy, nhu cầu nhiên liệu khí cho phát điện ngày càng tăng, nhưng nguồn cung ngày càng cạn kiệt. Theo dự báo của PVN, đến năm 2023, khả năng cấp khí của đơn vị này qua đường ống PM3 - Cà Mau chỉ còn một nửa, giảm nhanh từ 2023 và đến năm 2028 sẽ ngừng cấp khí. Đáng chú ý, các mỏ khí khác cũng đang trong tình trạng báo động.
Cụ thể, mỏ Bạch Hổ - mỏ chủ lực của ngành Dầu khí Việt Nam, sau 32 năm khai thác, hiện đã bước vào giai đoạn suy kiệt. Các mỏ dầu khí khác như Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông... cũng đang ở giai đoạn suy giảm sản lượng hoặc có độ ngập nước cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình khai thác. Lô khí 06.1 ở bể Nam Côn Sơn cũng sẽ dừng khai thác vào tháng 5/2023, gây tình trạng thiếu khí tại khu vực Đông Nam Bộ.
Phải tính tới phương án nhập khí
Theo PVN, Việt Nam cần nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) để bù đắp sản lượng khí thiếu hụt cho sản xuất điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tới năm 2030, khoảng gần 50% nhiên liệu khí cho phát điện là từ nguồn LNG nhập khẩu.
PVN dự báo, sự phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc lớn vào nguồn LNG nhập. Tuy nhiên, nếu thị trường LNG quốc tế có biến động lớn về giá, sẽ tác động không nhỏ đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG. Ngoài ra còn có những khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm phù hợp, xây dựng kho cảng chứa LNG.
Để có nguồn khí ổn định cho phát triển điện, theo PVN, cần có cơ chế cho các dự án điện khí, đảm bảo được hiệu quả của dự án và thu hút được vốn đầu tư. Cùng với đó, cần xây dựng kho cảng nhập khẩu LNG đồng bộ với các nhà máy điện khí, cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện sử dụng LNG theo quy hoạch và bổ sung cho nguồn khí trong nước đang suy giảm.
Song song với nhập khẩu LNG, Việt Nam cũng cần ổn định các nguồn khí trong nước đang khai thác như Nam Côn Sơn, PM3 - Cà Mau, đồng thời triển khai các chuỗi dự án Lô B, Cá Voi Xanh đúng tiến độ, đảm bảo nhiên liệu khí cho phát điện.
PVN dự kiến sản lượng cung cấp khí giai đoạn 2021 - 2025 là từ 13 đến 19 tỷ m3/năm; giai đoạn 2026 - 2035 từ 17 - 21 tỷ m3/năm. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển điện khí theo quy hoạch thì PVN cần nhập khẩu lượng lớn LNG.
Ngoài ra, để duy trì trữ lượng khí lớn trong tương lai, cần tiếp tục mở rộng tìm kiếm, thăm dò các mỏ khí mới. Nhưng, trong bối cảnh tìm kiếm khó khăn, kinh phí cho việc tìm kiếm không nhiều thì bài toán nguồn cung khí cho điện của PVN đang thực sự là vấn đề khó khăn.
Được biết, mới đây - ngày 28/10, PVN khởi công xây dựng kho chứa 1 triệu tấn LNG tại Thị Vải. Kho này có khả năng tiếp nhận được tàu vận chuyển LNG trọng tải lên đến 85.000 tấn hàng, với các hạng mục chính của Giai đoạn 1 gồm bồn chứa LNG sức chứa 180.000 m3; sau khi hoàn thành vào năm 2022 sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ gồm: nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, các khách hàng công nghiệp và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2022.
Việc xây dựng Kho cảng LNG Thị Vải và Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 được đánh giá sẽ góp phần đảm bảo cho nhu cầu về khí cũng như điện cho khu vực công nghiệp đang ngày càng cấp thiết tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.