PVN đặt kế hoạch 600 ngàn tỷ doanh thu năm 2019: Thách thức mới trong bối cảnh nhiều giếng dầu suy giảm trữ lượng?

(PLVN) - Trữ lượng dầu khí ở biển Đông đang tiếp tục được khai thác, tuy nhiên sản lượng dầu tại nhiều giếng đang suy giảm do khai thác đã quá lâu trong khi việc tìm kiếm những mỏ mới gặp nhiều khó khăn. Đây là một thách thức cho ngành Dầu khí với kế hoạch doanh thu hơn 600.000 tỷ đồng năm 2019.
Các mỏ dầu chủ lực đã khai thác trong thời gian dài nên hệ số suy giảm sản lượng hàng năm từ 15% tới trên 30%
Các mỏ dầu chủ lực đã khai thác trong thời gian dài nên hệ số suy giảm sản lượng hàng năm từ 15% tới trên 30%

Tìm kiếm mỏ mới khó khăn

Tại Hội nghị tổng kết năm 2018 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện, các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu.

Năm 2018, PVN đã triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh giá dầu biến động phức tạp; các mỏ chủ lực đã khai thác trong thời gian dài nên hệ số suy giảm sản lượng hàng năm từ 15% tới trên 30%. Nguồn vốn cho tìm kiếm thăm dò gặp khó khăn do cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Tìm kiếm Thăm dò dầu khí được đề xuất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Hiện, tỷ lệ đầu tư của PVN vào tìm kiếm thăm dò chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhà thầu dầu khí nước ngoài.

Năm qua, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 12 triệu tấn quy dầu, vượt 2 triệu tấn so với kế hoạch. Tổng sản lượng khai thác năm 2018 đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 1,14 triệu tấn quy dầu (vượt 5,0%) kế hoạch năm, trong đó khai thác dầu thô đạt 13,97 triệu tấn. Khai thác khí đạt 10,01 tỷ m³.

Tuy năm 2018 đạt kế hoạch, nhưng theo Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, năm 2019, PVN sẽ phải triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, giá dầu tuy đã phục hồi nhưng chưa vững chắc. Các phát hiện dầu khí trong giai đoạn gần đây chủ yếu có trữ lượng nhỏ, do giá dầu thấp nên chưa thể đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch sản lượng khai thác 22,06 triệu tấn quy dầu trong năm 2019.

Với phương án giá dầu năm 2019 đã được Quốc hội thông qua là 65 USD/thùng, kế hoạch doanh thu toàn Tập đoàn là 612.200 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 31.300 tỷ đồng; nộp ngân sách 87.500 tỷ đồng. Theo đánh giá, kế hoạch này là một thách thức với ngành Dầu khí trong bối cảnh nhiều giếng dầu suy giảm.

Theo lãnh đạo PVN, tuy việc gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 đạt kế hoạch, nhưng nếu so với mục tiêu chiến lược phát triển ngành đề ra ở trong nước là 20 - 30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8 - 12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28 - 42 triệu tấn/năm), thì vẫn chưa hoàn thành và đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra.

Trong khi đó, việc hoàn thành kế hoạch được xem là mấu chốt, quyết định đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn và quy mô, chất lượng phát triển tất cả các lĩnh vực vệ tinh khác (khai thác, công nghiệp khí, chế biến, điện, dịch vụ) theo mục tiêu chiến lược được duyệt. Theo đánh giá, hiện nay ngành Dầu khí không chỉ đối mặt với thực tế suy giảm về tìm kiếm, việc khai thác dầu cũng không còn được như giai đoạn trước.

Dầu khí cần gì để phát triển?

Thực tế là vậy, nhưng ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc PVN vẫn tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng, dư địa để tìm kiếm thăm dò vẫn còn và nếu giá dầu cao hơn 80 USD/thùng thì còn làm được nhiều hơn mục tiêu đang đặt ra hiện tại là 10 - 15 triệu tấn gia tăng trữ lượng/năm.

Tại Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro), chiến lược mở rộng địa bàn hoạt động đang được áp dụng dựa trên nguyên tắc từ gần đến xa, tập trung ưu tiên những lô dầu khí lân cận lô 09.1, sau đó mở rộng dần với những lô xa để có thể kết nối các phát hiện trong tương lai vào hệ thống công nghệ hiện hữu, rút ngắn thời gian chuẩn bị và sớm đưa vào khai thác.

Cụ thể, trong kế hoạch của mình Vietsovpetro cũng ưu tiên nghiên cứu các khu vực đã có phát hiện dầu khí, khu vực có cấu trúc và điều kiện địa chất tương đồng với những khu vực đã được phát hiện dầu khí ở lô 09.1 nhằm tăng khả năng thành công trong tìm kiếm, thăm dò.

Trong khi đó, ông Lê Như Linh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) thì cho biết, việc khai thác các mỏ khí ở biển Đông đang gặp khó khăn do các mỏ cũ cạn dần mà các mỏ mới công tác tìm kiếm đang hạn chế, điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành điện khí cũng như ngành khí hóa lỏng.

Để thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu khí, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí trong thời gian tới, PVN đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cần tạo nguồn vốn cho hoạt động thăm dò kỹ thuật phát triển bởi tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào việc tìm kiếm và khai thác dầu khí. PVN cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ủng hộ việc xây dựng, hoàn chỉnh một hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp cho việc phát triển ngành Dầu khí.

Đọc thêm