"Xả thân cứu người đẹp"
Thái "què" trở thành du đãng, điều đó không có gì lạ. Nhà ở sâu trong làng, ruộng không có, bố mẹ lại đông con. Gia cảnh nghèo khó khiến gã sớm phải lăn lộn ra khu vực ga kiếm sống. Lúc đầu còn chịu khó bốc vác, chuyển hàng, ai thuê gì làm nấy.
Nhưng dần dần, gã bị các đàn anh, đàn chị hoạt động trên địa bàn dụ dỗ, mua chuộc. Mười mấy tuổi đầu, Thái đã thành trộm cắp chuyên nghiệp, liên tục bị bắt, vài lần phải đi cải tạo ở trường giáo dưỡng.
Quãng đời tội phạm cứ thế kéo dài. Đến khi lấy vợ vào năm 22 tuổi, Thái đã kịp trang bị cho mình bản "thành tích đen" với 2 tiền án, tiền sự thì không đếm hết.
Vợ Thái là Nguyễn Thị Oanh (tức Oanh "khểnh", ngụ cùng địa phương), ít hơn chồng 3 tuổi nhưng cũng nổi tiếng không kém. Oanh nổi tiếng không phải vì cũng có tiền án tiền sự như chồng, mà bởi cô là con gái lớn của trùm một loạt sới bạc lớn trong khu vực.
Dù khá xinh gái, lại có chiếc răng khểnh làm duyên đến thành biệt hiệu, nhưng tuổi thơ của Oanh bị chính bố mình bôi đen. Bố mẹ bỏ nhau, nên tí tuổi đầu, cô đã được bố "điều" ra sới bạc làm "tín dụng" (cho vay nặng lãi).
Suốt ngày chứng kiến những bản mặt bặm trợn ra vào chơi cờ bạc, va chạm thường xuyên với sự phức tạp của chốn "đỏ đen", Oanh "khểnh" sớm tạo cho mình sự chai lì hiếm có so với lứa tuổi đôi tám.
Làm "tín dụng" ở sới bạc, hiểu theo nghĩa đơn giản là cầm đồ cho các con bạc khát nước. Nếu bố mình "bật đèn xanh", Oanh còn sẵn sàng cho con bạc vay không cần thế chấp. Tất nhiên, lãi suất sẽ rất cao. Ở tư thế của kẻ cho vay, Oanh cũng không kiêng dè ai cả.
Con bạc dù là dân giang hồ, dù là dân chơi, hễ trái ý là bị Oanh chửi vỗ mặt. Bị con nhóc trẻ ranh hạ nhục giữa "bá quan văn võ", nhiều tay anh chị vào chơi bạc vô cùng bực tức. Có điều, nể mặt bố Oanh, họ đều phải cố nuốt giận.
Tuy nhiên, sự nhẫn nhịn cũng có giới hạn. Đặc biệt với dân giang hồ, giới hạn đó càng mong manh. Vụ việc xảy ra sau đó vô tình lại trở thành mối nhân duyên giữa Thái và Oanh.
Cũng như hầu hết những kẻ tội phạm, mỗi khi "trúng quả", Thái thường mang tiền vào sới bạc, thử vận đỏ đen. Ngay buổi đầu, gã đã để ý đến "ái nữ" của chủ sới bạc. Có điều, thấy sự ghê gớm của Oanh, gã cũng phát hoảng, chưa dám tiếp cận. Cơ hội đã đến khi Thái "xả thân cứu mỹ nhân".
Hôm đó, Oanh lại va chạm với một con bạc là tay anh chị đến từ khu vực Ngọc Hồi. Thua cháy túi, tay anh chị này phải cầm chiếc dây chuyền khoảng một "cây" vàng.
Quen thói ép khách, Oanh chê ỏng chê eo, cho rằng vàng còn "ít tuổi", không đáng giá. Cãi vã xảy ra. Bị lôi cả "ông tổ tứ đại" ra chửi, tay anh chị điên tiết giáng cho Oanh một cái tát. Đám bảo vệ sới bạc vội chạy vào ứng cứu.
Nào ngờ, gã có thủ lưỡi lê trong người, rút ra vung bạt mạng khiến không ai dám áp vào gần. Dù ẩu đả loạn xạ nhưng gã cứ nhè Oanh "khểnh" mà đuổi theo. Có lẽ đã bị thua bạc còn bị chèn ép, gã ức chế, quyết trả thù bằng được "con ranh láo toét".
Có mặt trong đám bạc hỗn loạn, ngay từ đầu, Thái "què" đã biết sẽ có chuyện lớn. Vì thế, nhất cử nhất động, gã đều hướng về phía "người trong mộng". Đúng lúc Oanh bị tay anh chị đuổi đến gần, vung lưỡi nhọn, Thái lao vào che đỡ, lĩnh hộ "người đẹp" một nhát lê thấu sườn..
Tay anh chị gây án sau đó chạy thoát nhưng ân tình của Thái đã được "người đẹp" ghi nhận. Sau vài tháng yêu đương, họ kết duyên vợ chồng.
Vợ "cổ vũ" chồng phạm tội
Trở thành con rể của trùm sới bạc, Thái đương nhiên cùng với vợ ra làm "tín dụng". Sự nanh nọc của Oanh không bớt đi, máu côn đồ của Thái cũng chẳng giảm, vì thế, ân oán ngày càng dày thêm.
Một lần đi đòi tiền một con bạc trốn nợ, được sự "cổ vũ" của vợ, Thái đánh người ta đến mức trọng thương. Ngay đêm đó, đồng bọn của kẻ bị đánh tìm đến, dàn trận trả thù. Trong vụ xô xát, Thái lỡ tay giết người. Gã nhận bản án 10 năm tù khi con gái đầu lòng chưa đầy 2 tuổi.
Sau đó, thời của các sới bạc ngang nhiên hoạt động cũng chấm dứt. Con rể đi tù chưa lâu, bố vợ cũng bị bắt, trả giá bằng án tù khá dài. Ngoài xã hội chỉ còn Oanh "khểnh" chèo chống nuôi con.
Quãng thời gian chồng đi tù, dường như Oanh khá an phận. Còn chút vốn liếng, cô ta mở hàng cầm đồ, nhưng là làm ăn chân chính, có đóng thuế đàng hoàng. Trong những lần thăm nuôi chồng, được gặp ở "buồng hạnh phúc", Oanh sinh thêm được một trai, một gái nữa. Nhìn cảnh mẹ con ríu rít, ai dám nghĩ máu giang hồ của cô ta vẫn chảy trong huyết quản.
Có lẽ kế hoạch kiếm tiền bất chính đã được Oanh suy tính từ lâu. Với thâm niên làm nghề liên quan đến cờ bạc, cô ta thấy không gì kiếm tiền dễ bằng lĩnh vực này. Tuy nhiên, tránh "vết xe đổ" của bố, cô ta chủ trương chỉ mở sới bạc... bịp.
Theo đó, Oanh tung đàn em đi "săn" các dân chơi thích trò đỏ đen, đặc biệt chú trọng vào những người mới "phất" lên như vừa bán đất, bán nhà... Đám đàn em sẽ dẫn khách về một sới bạc định sẵn. Tại đây, bằng các ngón bịp bợm, chúng sẽ lột của khách đến đồng xu cuối cùng.
Sau đó, vợ chồng Oanh sẽ đóng vai kẻ cho vay. Các con bạc trong lúc khát nước hầu như không thể phân tích thiệt hơn. Được "bơm" bao nhiêu tiền, họ sẵn sàng lấy bấy nhiêu, không hề biết đang rơi vào cái bẫy "lãi cắt cổ".
Lúc này, vợ chồng Oanh mới hiện nguyên hình những tay anh chị dữ dằn. Tiền lãi ngày nào chậm trả, cộng thẳng vào gốc, lãi suất tăng thêm, phạt sự chậm trễ. Cứ thế, vay một thành mười, thành trăm và còn hơn thế. Hầu như không con nợ nào dám phản kháng.
Quá khứ "đen" của cặp vợ chồng giang hồ, lý lịch từng giết người của Thái "què", còn chưa kể đám đàn em mặt mũi cô hồn lúc nào cũng như muốn "ăn tươi nuốt sống" người khác. Những thứ đó đủ để mọi con nợ phải bằng mọi giá chạy tiền trả nợ. Nhiều trường hợp, con nợ chấp nhận bán nhà, bán đất giá bèo cho chính chủ nợ, mới mong được yên thân.
Tuy nhiên, mọi hoạt động phạm pháp cuả vợ chồng Thái "què" không qua được mắt lực lượng chức năng. Năm 2006, băng nhóm này tổ chức bắt một con nợ về nhà riêng của Thái, đánh đập tàn nhẫn vì không chịu trả tiền. Sau đó, chúng ép người nhà con nợ phải mang tiền đến chuộc.
Không để cho cái ác lộng hành, cảnh sát vào cuộc, bắt tại trận vợ chồng Thái cùng toàn bộ băng nhóm.
Khi vợ chồng Thái "què"- Oanh "khểnh" bị còng tay, đưa lên xe đặc chủng, 3 đứa con của họ cũng chứng kiến. Đứa lớn nhất mười mấy tuổi, hai đứa nhỏ còn đang học cấp 1.
Thế nhưng, điều lạ là cả 3 đều ráo hoảnh, không tỏ ra sợ hãi cũng như nhỏ nước mắt thương cha mẹ. Sống trong môi trường "nhà dột từ nóc", sau này lớn lên, những đứa trẻ này sẽ ra sao?