Ông Thuấn bị thất lạc trong trận chiến ác liệt, đồng đội ngỡ ông đã hy sinh nên thông báo giấy báo tử về gia đình. Đau đáu vì chưa tìm được phần mộ người thân, gia đình liền mời “nhà ngoại cảm” tìm giúp phần mộ.
Bằng điện thoại, “nhà ngoại cảm” "phán răm rắp" vị trí chôn cất hài cốt “liệt sĩ”. Gia đình rớt nước mắt khi tìm được hài cốt người thân sau gần 40 năm thất lạc, cẩn thận đưa về mai táng và thờ cúng.
Nào ngờ, vài năm sau, ông Thuấn trở về nhà bằng da bằng thịt khiến ai nấy đều ngỡ ngàng.
Ông Thuấn bên “ngôi mộ” của mình |
Ông Nguyễn Viết Thuấn (SN 1951, ngụ làng An Thọ, xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) là anh cả trong gia đình có 5 anh em trai. Ngày nhỏ, ông Thuấn đi học nhưng chẳng mấy chú tâm nên không biết chữ. Bù lại, người thanh niên ấy tính tình khảng khái, gan dạ.
Chàng trai trẻ tình nguyện làm đơn đi bộ đội năm 1971. Chiến tranh bom đạn tơi bời, gia đình mất luôn liên lạc với ông từ đó. Sau chiến tranh, tháng 3/1976, gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh (em trai ông Thuấn, ngụ địa chỉ trên) bàng hoàng nhận giấy báo tử của anh trai.
Ông Tuynh cho biết, tháng 6/2008, với mong muốn làm tròn trách nhiệm với người anh đã hi sinh, ông tìm đến “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng, ngụ phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhờ tìm phần mộ cho anh trai.
“Chúng tôi đến vào sáng sớm nhưng nơi làm việc của ông Phụng đã khá đông khách. Sau khi đặt lễ và ít tiền khấn, tôi ra bàn viết phiếu. Tiếp đó, một người đàn ông bảo tôi tùy tâm đặt tiền lễ chỗ ban thờ.
Tôi điền thông tin bản thân, tên liệt sỹ cần tìm và nơi hy sinh vào phiếu. Xong xuôi, một người đến cầm tờ phiếu của tôi chuyển cho ông Phụng đang ngồi trên gác.
Chứng kiến nhiều người tìm đến nhờ “thầy” giúp, tôi càng thêm niềm tin vào khả năng của “nhà ngoại cảm””, em trai của “liệt sĩ” kể lại.
Ông Tuynh kể tiếp, xem thông tin tìm liệt sỹ của gia đình ông, ông Phụng mở một cái máy giống như máy thu thanh có bộ đàm lên, bấm đầu bấm tai lẩm bẩm:
“Liệt sỹ Nguyễn Viết Thuấn, hy sinh tại mặt trận phía Nam đang nằm ở đâu? Chỗ nào?”.
Đồng thời, “nhà ngoại cảm” này lấy một tờ giấy khổ A4 rồi lại tiếp tục “độc thoại”: “Sơ đồ ở huyện nào, xã nào?”. Miệng nói, tay ông chấm những chấm nhỏ rồi vẽ sơ đồ nghĩa trang huyện Bình Long (Bình Phước) cùng vị trí ngôi mộ.
Mừng rỡ vì không ngờ “nhà ngoại cảm” “cao siêu” đến thế, ngay trong tháng 6/2008, gia đình ông Tuynh vượt 2000 km mang “báu vật” sơ đồ này tìm đến nghĩa trang huyện Bình Long, gọi điện ra cho “nhà ngoại cảm” Phụng.
Nói qua điện thoại với người nhà, “thầy” Phụng chỉ dẫn tỉ mỉ ngôi mộ ở phía sau tượng đài Tổ quốc ghi công. “Trên ngôi mộ ấy có mấy cọng cỏ dại và một vết nứt chéo. Người quản trang nơi liệt sĩ Thuấn đang nằm là đàn bà và có nuôi hai con bò”, ông Tuynh thuật lại lời chỉ dẫn.
Thực hiện theo lời chỉ dẫn, gia đình ông Tuynh tìm được “hài cốt” người anh trong sự vui mừng khôn tả. “Thú thực, thấy “nhà ngoại cảm” ngồi ở Hà Nội lại có thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lí” đến từng “chân tơ kẽ tóc” tại một nghĩa trang xa tít tắp, khiến chúng tôi phục sát đất.
Do đó, khi xương cốt đào lên, chúng tôi bỏ qua công đoạn xét nghiệm ADN, tin tưởng tuyệt đối là hài cốt người thân. Gia đình tin tưởng quá, bỏ qua luôn cả nghi vấn không biết “thầy” có hệ thống “chân rết” thông tin từ xa, sắp đặt từ trước hay không”, em trai “liệt sĩ” nhớ lại.
Ngay lập tức, gia đình “liệt sĩ” hoàn tất các thủ tục rồi đưa “hài cốt” anh trai về quê, tổ chức an táng trong thể tại nghĩa trang liệt sỹ xã An Khánh.
“Khi đó, cả gia đình tôi phần nào nhẹ lòng vì làm được một phần trách nhiệm với người thân biệt tích 37 năm qua. Hàng ngày, việc thăm nom hương hỏa ngôi mộ được cả gia đình làm rất chu đáo. Lúc đưa hài cốt anh về, tôi đã xúc động đến rơi nước mắt vì từ nay anh trai mình không phải lạnh lẽo một mình ở miền đất xa lạ nữa”, vẫn lời người em.
Được biết, chi phí phải trả cho “nhà ngoại cảm” lên đến mấy chục triệu. Tính cả kinh phí gia đình lặn lôi vào Bình Phước bốc mộ, số tiền đến gần trăm triệu.
Sững sờ “liệt sĩ” trở về bằng xương bằng thịt
Đầu năm 2013, qua một người quen trong miền Nam, ông Tuynh bất ngờ được biết một người ở ấp An Thịnh, thị trấn An Phú (huyện An Phú, An Giang) có đặc điểm nhận dạng giống hệt anh trai mình.
Thông tin từ miền Nam báo ra người này đã lấy vợ và có con, vợ bán hàng ăn vặt, chồng làm thuê làm mướn sinh nhai. “Anh tôi đã có giấy báo tử, đã được “nhà ngoại cảm” tìm thấy mộ, thấy hài cốt, nên lúc nhận được tin này chúng tôi vừa mừng vừa lo.
Mừng là trong trường hợp nào, người thân của mình còn sống thì cũng là điều hạnh phúc vô bờ bến. Lo là chẳng lẽ mình lại “mắc nỡm” “nhà ngoại cảm”. Thế nên phải dò xét cho xác thực”, lời người em.
Ngày 19/5/2013, năm năm sau khi tìm thấy “hài cốt anh trai”, ông Tuynh cùng hai người thân một lần nữa lặn lội vào Nam, tìm đến địa chỉ trên. Đến đúng địa chỉ ghi trong giấy, ông thấy một người đàn bà đang bán bún buổi sáng. Căn nhà lụp xụp được chắp ghép bằng nhiều mảnh gỗ và tôn. Đưa mắt tìm kiếm một lượt, không thấy bóng dáng người đàn ông.
Tạt sang căn nhà phía đối diện, ông sững người khi nhìn một người đàn ông khuôn mặt rất quen. Người này lò dò đưa ra hai chiếc ghế, nói giọng Nam đặc sệt: “Anh Hai vô ghế ngồi. Anh Hai quê đâu đấy?”.
Ông Tuynh nói là người ngoài Bắc vào, có họ hàng thất lạc bao năm nay nên vào tìm.
Thấy khuôn mặt người đối diện có những nét giống cha mình như lột, nhưng ông Tuynh vẫn chưa dám nói ra vì biết đâu có chuyện nhiều người trên quả đất này giống nhau. Ông vờ như vô tình kể chuyện quê mình, nhà mình, cặn kẽ từ tên bố mẹ, các em trai; tả từ cái giếng, cái ao.
Ông kể chuyện hồi ấu thơ hai anh em mò cua bắt ốc, nhổ mạ cấy lúa với cha mẹ. Người đàn ông kia đang thẫn thờ, đột nhiên ngắt lời: “Nhà bác ruột có chiếc cổng cổ, dưới có bụi tre, chỗ rẽ ra ao làng?”.
“Tôi bật khóc vì tôi biết chắc chắn đây là anh Thuấn. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hai người đàn ông chỉ biết khóc nức nở. Vừa khóc trong tiếng nấc, anh tôi vừa trách “Sao em vào còn thử anh như thế?”.
Anh lý giải do thất lạc đơn vị, không biết chữ, mù mịt đường về nên sau chiến tranh không tìm về nhà được. Từ ấy đến nay nhà nghèo, vợ con có khi còn thiếu ăn, có khi nào dư dả tiền để lần mò tìm kiếm quê”, người em trai xúc động nhớ lại.
Ở lại chơi ít ngày, người em trai dẫn vợ chồng anh trai và các cháu trở về quê hương. Dân làng biết tin kéo đến chật nhà. Mấy người bạn đồng ngũ thì bắt tay mừng mừng tủi tủi.
Trước sự việc hy hữu này, lãnh đạo địa phương đã mời gia đình ông Tuynh tới gặp mặt. Gia đình cũng đã nộp lại giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công.
Tên “liệt sĩ” Thuấn được gỡ khỏi ngôi mộ “nhà ngoại cảm” tìm thấy, thay vào đó là dòng chữ “người chưa biết tên”. Hiện gia đình con trai ông Thuấn đã chuyển hẳn về quê Hoài Đức, Hà Nội sinh sống.
Còn ông Thuấn về quê hơn một tháng thì trở vào An Giang để thu xếp mọi việc trước khi đưa hẳn vợ con ra Bắc định cư trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Huy Hoán, Phó Chủ tịch xã An Khánh xác nhận sự việc “liệt sỹ” Thuấn trở về là có thật. Gia đình đã có đơn đề nghị xin cấp đất cho ông Thuấn. Xã đang báo cáo huyện để xem xét giải quyết. “Rõ ràng trong việc này, “nhà ngoại cảm” có dấu hiệu lừa dối gia đình anh Tuynh”, vị phó chủ tịch xã nói.
“Nhà ngoại cảm”: Ai bảo nhà nước báo tử sai?
Một người em trai của “liệt sĩ” cho biết: “Sau khi anh trai trở về, tôi gọi cho nhà ngoại cảm đã tìm mộ cho gia đình nhưng người này không bắt máy. Gia đình tôi hết sức bức xúc vì sự lừa dối này.
Em trai “liệt sĩ” Thuấn khẳng định gia đình mình đã bị “nhà ngoại cảm” lừa đảo. |
Tôi khẳng định “nhà ngoại cảm” đã dựng kịch bản, tạo ngôi mộ giả hoặc mộ người khác rồi chỉ cho gia đình chúng tôi. Chắc chắn, trước đó “nhà ngoại cảm” đã cho người vào khảo sát rồi sau đó lừa dối chúng tôi."
Phóng viên Pháp luật & Thời đại đã liên lạc với “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng, đề nghị làm rõ vụ tìm mộ “liệt sĩ” Thuấn. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Phụng không hề nhận trách nhiệm khi tìm sai mộ, thậm chí đẩy trách nhiệm cho người nhà “liệt sĩ” Thuấn. Những thông tin của gia đình ông Tuynh và “nhà ngoại cảm” đưa ra khá vênh nhau.
Ông Phụng lý giải cho việc tìm sai mộ: “Quy trình chúng tôi là “tìm từ xa”, không đi thực địa bất cứ ngôi mộ nào. Gia đình ông Tuynh chỉ thực thi công đoạn 1.
Khi vào nghĩa trang, gia đình này không hề liên hệ với chúng tôi để hướng dẫn công đoạn 2 nên tôi bó tay. Khi đi tìm thấy ngôi mộ, đúng hàng, cây cỏ, gia đình họ cứ bê ra, không báo lại cho tôi. Trên đời nhiều người trùng họ tên lắm”.
Không những phủi trách nhiệm, ông Phụng còn thản nhiên cho rằng: “Cái sai này trước hết do việc báo tử sai”.
Ông Phụng còn cho rằng: “Sau vài tháng khi gia đình ông Tuynh bốc mộ về, tôi đã biết là bốc sai”. Hỏi sao ông không liên hệ với phía ông Tuynh thông báo, “nhà ngoại cảm” đáp: “Người nhà ông Tuynh không thèm liên hệ với tôi”.
Khi phóng viên đề cập đến vấn đề lương tâm đạo đức khi “phán” sai, khiến người nhà ông Tuynh thờ cúng “xương cốt” người lạ, ông Phụng im lặng, không trả lời.
Trong khi đó, em trai “liệt sĩ” khẳng định: “Khi chúng tôi vào Bình Phước thì “lạ nước lạ cái”, chỉ có duy nhất bản sơ đồ “nhà ngoại cảm” vẽ làm căn cứ, sao dám làm sai.
Trong quá trình xác định vị trí mộ, nhất cử nhất động tôi đều xin chỉ đạo của “thầy” qua điện thoại. Sau khi tìm ra anh trai còn sống, chúng tôi cũng nhiều lần liên lạc với ông Phụng nhưng không được”.
Gia đình ông Tuynh cho biết, đang xem xét các thủ tục, cân nhắc kiện ông Phụng ra tòa.