Sân khấu TP HCM sáng đèn trong… “cơn bão”

(PLO) - Nhiều năm về trước, người yêu sân khấu TP HCM vẫn tự hào về sự phát triển của ngành sân khấu thành phố, với bằng chứng là hàng đêm, các sân khấu Sài Gòn luôn sáng đèn, kín ghế. Nhưng giờ đây, ánh sáng ấy đã hiu hắt đi nhiều. Nó bắt đầu chùng xuống, buồn hơn bởi một nghịch lý…

Cảnh một vở diễn ở sân khấu kịch Sài Gòn.
Cảnh một vở diễn ở sân khấu kịch Sài Gòn.
Ngọn lửa không thôi khao khát cháy
“Bầu gánh” là chữ mà nghệ sĩ Ái Như dùng khi nói về mình. Nghe nó dung dị, hơi xưa cũ nhưng thật ra phản ánh đúng bản chất công việc mà chị và nghệ sĩ Thành Hội đang đeo mang. Sân khấu Hoàng Thái Thanh ra đời từ năm 2010, bởi bàn tay của hai nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như (và một người nữa, sau này đã rút khỏi). 
Thời điểm ấy, kịch nói cũng không phải sáng sủa gì, nhưng hai nghệ sĩ đã làm được điều mà nhiều người kì vọng: thắp thêm một ngọn đèn đẹp đẽ cho sân khấu TP HCM. Những “Ngôi nhà không có đàn ông”; “Bàn tay của trời”, “Nửa đời ngơ ngác”… các năm đầu đã tạo nên tiếng vang cho Hoàng Thái Thanh, kéo khán giả nô nức đến sân khấu.
Nếu nói đến bầu gánh “xã hội hoá” sớm và hiệu quả, người ta nghĩ ngay đến Hồng Vân. Đã 15 năm sau khi sân khấu kịch Phú Nhuận của “bà bầu” Hồng Vân ra đời, có những giai đoạn, vở mới liên tục, những “Con nhà nghèo”, “Bỉ vỏ”… “làm mưa làm gió” kịch TP HCM, giúp sân khấu kín khách. 
Sân khấu Idecaf của nghệ sĩ Thành Lộc cũng là một điểm đến quen thuộc của khán giả yêu kịch. Idecaf cũng là sân khấu tạo được “thương hiệu” về kịch thiếu nhi, đặc biệt hơn, rất nhiều vở cháy vé, có khi khán giả còn phải mua vé… “chợ đen”.  
Một địa chỉ quen thuộc khác của khán giả là sân khấu 5B Võ Văn Tần, hay còn gọi là sân khấu nhỏ, với những vở diễn tâm lý xã hội, pha chút hài hước nhẹ nhàng, luôn làm khán giả thấy dễ chịu, hài lòng…
Hơn một năm nay, TP HCM xuất hiện thêm vài sân khấu kịch nữa. Nổi bật trong số đó là sân khấu Sao Minh Béo của nghệ sĩ Minh Béo. Minh Béo rất chịu khó, sân khấu của anh dàn dựng kịch cho tất cả mọi “gu” khán giả, mọi lứa tuổi: Từ kịch trinh thám, kinh dị, tâm lý xã hội, hài tạp kĩ cho đến kịch thiếu nhi. Minh Béo còn là nghệ sĩ khá năng động khi liên tục “rong ruổi” tìm đầu ra cho sân khấu của mình, từ các chương trình khuyến mại, giảm giá đến tìm đường liên kết với nhà hát các tỉnh…
Có người nói làm nghệ thuật, làm giải trí là phải có “chiêu trò” mới thành công. Có lẽ điều này không áp dụng với nghệ thuật kịch nói. Với sân khấu, không phải chiêu trò là thứ làm nên hào quang của những vở kịch. Chính những tâm hồn đẹp đẽ, những nhiệt huyết cháy bỏng trong lòng người nghệ sĩ sân khấu, khao khát luôn thắp lên ngọn lửa, tô đẹp cho đời mới là điều khiến nhiều khán giả TP HCM và các tỉnh phía Nam yêu kịch, mê kịch, trung thành với sân khấu dù có bao nhiêu loại hình giải trí mới ra đời.
Kịch thiếu nhi ở TP HCM.
Kịch thiếu nhi ở TP HCM. 
Sân khấu thời “bão nổi”
Nhiều năm trước đây, có người từng nói, nếu một ngày thế hệ những người như Hồng Vân, Thành Lộc, Ái Như, Thành Hội, Huỳnh Anh Tuấn… mất lửa, bỏ nghề thì chẳng biết sân khấu TP HCM sẽ đi đâu, về đâu. Cái câu nói bâng quơ ấy, đến hôm nay bắt đầu có những nguy cơ để trở thành một nửa sự thật. Nói là một nửa, bởi những nghệ sĩ ấy vẫn còn ngọn lửa, nhưng theo nghề lại là chuyện phải cân nhắc đến. Có những điều mà người nghệ sĩ dù khao khát nhưng cũng đành bất lực.
Nhắc đến sân khấu giai đoạn này, nghệ sĩ nào cũng lắc đầu: “Hiu hắt như đèn trước bão!”. Mấy ngày trước, “bà bầu” nổi tiếng Hồng Vân khiến khán giả một phen buồn lòng, khi chị báo trước khả năng “không còn trụ nổi” của sân khấu kịch Phú Nhuận. Mặt bằng sân khấu đang sửa chữa, lại chuẩn bị thương thảo kí hợp đồng mới, Hồng Vân bảo, cái khó nhiều lắm rồi, “căng” lắm mà đang phải cố, nay nếu các mặt bằng tăng giá thuê, không trang trải được, có lẽ chị sẽ phải buông tay. 
“Bầu gánh” Ái Như – Thành Hội cũng đang lao đao vì mặt bằng. Trước kia, Hoàng Thái Thanh thuê ở Lê Quý Đôn, quận 3, ngay trung tâm TP. Khi nơi này sửa chữa, sân khấu chuyển về khu Cư xá Bắc Hải 1 năm nay. Trước kia, sân khấu ở khu trung tâm, khán giả đông hơn mà đã phải gồng, phải bù lỗ. Nay chuyển sang khu mới, cách xa trung tâm, khán giả có thương cũng khó lòng mà đến thường xuyên được nên đã gồng nay còn phải gồng gấp bội… 
Thời khó khăn chung của sân khấu nên trước kia mỗi vở kịch tuổi thọ cả năm trời, nay mỗi vở ra mắt, giỏi lắm được vài ba tháng là thưa khách. Một năm, sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng 5 - 6 vở mới. Ái Như cho biết, chị không mong như vậy, nhưng tình hình buộc phải thế. Nếu vở diễn “sống” được lâu hơn như trước kia, ít dựng vở mới hơn thì đầu tư cho mọi thứ sẽ tốt hơn, hoàn hảo hơn. Biết làm sao được, khi có những vở diễn đến tháng thứ hai, vé bán ra chỉ được 50 vé; mà trung bình 1 đêm diễn phải bán được 150 vé mới đủ chi phí… 
Ái Như tâm sự, từ 5 năm nay sân khấu hàng tuần vẫn phải bù lỗ. Có những lúc cảm thấy mình gồng gánh quá, mệt mỏi muốn buông tay, điều giữ các nghệ sĩ ở lại với sân khấu chính là tình cảm nồng ấm, chung thuỷ của khán giả. Có những khán giả từ Vũng Tàu, Bến Tre, thậm chí từ Hà Nội đi công tác vào Nam cũng ghé đến xem và ủng hộ sân khấu… Nhưng, Ái Như cũng như Hồng Vân nói là “mình không biết còn có thể duy trì đến lúc nào” với tình hình như hiện nay.
Minh Béo với sức trẻ của mình vẫn còn nhiều nhiệt huyết và sức chèo chống. Anh ngược xuôi ra Bắc, ra Trung, kết hợp với nhà hát các vùng miền để tổ chức show. Làm kịch người lớn chưa “ăn thua”, anh đầu tư kịch thiếu nhi. Anh miễn phí vé cho trẻ em dưới 10 tuổi, thế nên, các suất diễn thiếu nhi của sân khấu Minh Béo bao giờ cũng gần kín 500 ghế. 
Làm hồ hởi, hết mình nhưng Minh Béo vẫn thừa nhận là làm “bầu” sân khấu thời điểm này khó khăn lắm, làm vì niềm say nghề, chứ còn nếu nghĩ bi quan, ngã lòng là sẽ buông xuôi ngay… Nhiều sân khấu ra đời cùng lúc với Sao Minh Béo, trụ được dăm tháng, nửa năm đành đóng cửa, tắt đèn là vì thế.