Quán cà phê thời bao cấp của cô chủ trẻ 9X

(PLO) - Nhìn những hình ảnh của quán café, những đồ vật cũ kỹ, những chiếc pano khẩu hiệu tồn tại từ thời kháng chiến, chiếc cửa ra vào cũng nhuốm màu thời gian chẳng ai nghĩ chủ của quán lại là một cô gái 9X. Đinh Thu Thảo, hiện là chuyên viên của Bộ Y tế gây cho chúng tôi sự ngạc nhiên khi kể về quán café mà cô được nhượng lại như một cơ duyên. 
Không gian cổ xưa sống động
Không gian cổ xưa sống động

Cơ duyên… lạc vào ký ức

Nằm ở ngõ 189 phố Giảng Võ, từng góc quán gắn với một cái tên lạ lẫm như “phố Vui”, “phố Vẫy”, phố Hàng Tươi… Không gian trong quán tái hiện hình ảnh một căn hộ tập thể đúng chuẩn của thời bao cấp. Những món đồ như bộ bàn ghế gỗ thô, chiếc gối làm bằng vỏ “chăn con công” đặc trưng, tivi đen trắng… gợi lên rất nhiều nỗi xao xuyến về một thời đã xa.

Chủ quán hiện nay là một cô gái trẻ tên Đinh Thu Thảo, sinh năm 1991, đang là chuyên viên của Bộ Y tế. Thảo kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên gặp “Bao cấp café”: Lần đầu tiên em đến quán café, nó nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Giảng Võ. Chỉ cách mặt phố sầm uất chừng 10 mét nhưng vừa nhìn thấy cửa quán em đã cảm nhận được một không gian khác biệt, bình yên, cũ kỹ. 

Điều đặc biệt mà Thảo thấy thích thú nhất chính là khi cô bước vào quán, quán cực đông khách nhưng im ắng, mọi người ai cũng nhỏ nhẹ chuyện trò, mọi hành động đều lo có thể làm ảnh hưởng đến người bên cạnh.

Và trong khung cảnh thanh bình, hiền hòa ấy, những bản nhạc về Hà Nội du dương trong tiếng đàn ghi ta gần như cuốn hút cô gái trẻ. Cô như bị mê hoặc bởi không gian ấy và chấp nhận mua lại quán café bằng đúng giá chủ quán đưa ra, không hề lăn tăn hay kiểu trả giá như nhiều cuộc mua bán khác. 

Tiếp nhận quán café, cô chủ nhỏ không hề thấy bỡ ngỡ với từng đồ vật, từng góc nhà được trang trí bày biện theo một phong cách cổ xưa bởi theo lời cô, những đồ vật ấy cô cũng đã từng được nhìn thấy trong ký ức. Bố mẹ cô là một người giữ gìn đồ đạc rất giỏi nên những vật dụng thời bao cấp cô đều được biết đến và chúng cũng có một vị trí trang trọng trong ngôi nhà của cô. Thi thoảng bố mẹ Thảo lại lôi ra một món đồ nào đó rồi kể lại những câu chuyện liên quan. 

Được sống lại thời kỳ khó khăn qua lời kể của bố mẹ khiến Thảo nghĩ ngay đến việc “kể chuyện thời bao cấp” trên fanpage của quán khi vừa chính thức làm chủ. Những tâm sự, những cảm xúc của các bạn trẻ khi được tiếp xúc với thời bao cấp thông qua các hiện vật được cô chú trọng, ghi lại đầy đủ. Đó cũng là cách để cô giúp giới trẻ, những người sinh ra trong thời kỳ sau bao cấp có những ký ức, tình cảm với thời kỳ khốn khó mà bố mẹ, ông bà chúng ta đã đi qua. 

Tuy nhiên, điều mà Thảo tiếc nhất là gia đình cô đã không thể giữ được những vật dụng từ thời kỳ ấy, để cô có thể mang ra đóng góp vào “Bao cấp café”, như là một cách để cô trân trọng và cảm ơn anh Thủy, một kiến trúc sư, người khai sinh ra “Bao cấp café” đã mang cả tình cảm và tâm hồn mình để thiết kế nên một quán café đầy ký ức và nhiều dấu ấn thời gian như vậy. 

Một góc nhỏ trong “Bao cấp café”
Một góc nhỏ trong “Bao cấp café”

Khơi gợi giá trị văn hóa lịch sử cho các bạn trẻ…

Thảo tâm sự rằng cô giữ nguyên mọi thứ sẵn có, chỉ nâng cấp thêm một chút về đồ uống để hợp với khẩu vị của nhiều bạn trẻ. Nhưng dù vậy, cô vẫn tìm mọi cách để khơi gợi lại ký ức khốn khó nhưng hào hùng của cha ông mình qua những chiếc cốc chấm bi một thời, qua những cốc tráng men đã từng xuất hiện trong mỗi một gia đình ở thời kỳ ấy. Rồi cô tìm cách gợi mở cho các bạn trẻ về giá trị lâu đời của nền văn hóa Việt Nam. 

Thảo chia sẻ: “Các bạn trẻ ngày nay mê mải với yahoo, với facebook. Đúng là cái gì cũng có một thời của nó như yahoo chat chẳng hạn. Yahoo chat gắn liền với tuổi trẻ của bọn em, yahoo chính thức đóng cửa cũng khiến lứa bọn em ngẩn ngơ nhưng em tin rằng, một ngày nào đó có thể cửa sổ chat của yahoo hiện diện như một biểu tượng của một thời như chiếc điện thoại cổ, như chiếc TV ăng ten đen trắng đang hiện diện giữa Hà Nội, thế kỷ XXII thì chúng em lại vui ngay”. 

Cô khẳng định, rồi bất kỳ thứ gì cũng sẽ trở thành ký ức nên lưu giữ ký ức sẽ là một điều khiến cô luôn vui và cô tin, với tình hình hiện nay, việc các bạn trẻ biết trân trọng quá khứ, đồng cảm với thời kỳ khốn khó của cha ông ta sẽ là một tín hiệu tốt để chúng ta giáo dục về tình yêu với lịch sử đất nước. Dường như chưa hết hứng thú về cơ duyên “lưu giữ ký ức”, Thảo kể tiếp về những khách hàng là gia đình với 3 thế hệ. 

Thảo cho biết, khách hàng ở lứa tuổi của cô luôn trong tâm trạng háo hức, tư thế khám phá điều mới lạ, là một trải nghiệm mới đối với mỗi vật dụng xung quanh mình khi đến với quán. Còn đối với lứa tuổi của bố mẹ, ông bà cô thường đến với một tâm trạng hoài cổ, là ký ức của một thời kỳ khó quên, là sự rưng rưng xúc động khi nhìn thấy một phần đời, một phần quá khứ của mình. 

Theo Thảo, trong không gian tưởng chừng như chật hẹp nhưng lại ấm cúng và mang đậm dấu ấn thời gian này sẽ là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện tản mạn không có hồi kết.  Thả hồn vào không gian xưa cũ, cô mong rằng, trong một không gian quá đỗi yên bình và cổ xưa này, những câu chuyện về chủ đề “ngày xưa” của những ông bố, bà mẹ sẽ không thể khiến giới trẻ nhăn mặt và từ chối nghe mỗi khi bố mẹ bắt đầu bằng 2 chữ “ngày xưa…”.  Có lẽ đó mới là giá trị mà cô chủ trẻ của “Bao cấp café” đang hướng đến… 

Đọc thêm