Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị số 83/CT-BQP ngày 13/3/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trong quân đội.
Theo đó, Bộ Quốc phòng yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát Biển tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển.
Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng nêu rõ, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trong đơn vị.
Lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tổ chức chăn nuôi lợn theo hướng dẫn an toàn sinh học, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, khống chế không để dịch xâm nhiễm và lây lan đàn lợn của đơn vị.
Các tổ công tác tuyên truyền phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình chăn nuôi và kinh doanh thịt lợn. |
Trường hợp đơn vị để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan thú y nơi đơn vị đóng quân, tiến hành chống dịch theo quy định; thống kê số đầu lợn tiêu hủy, có xác nhận của chính quyền và cơ quan thú y địa phương để có cơ sở tổng hợp, báo cáo đề xuất hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Quản lý chặt chẽ việc khai thác lợn, sản phẩm của lợn ở thị trường. Tuyệt đối không được sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém đưa vào bữa ăn của bộ đội. Thực hiện tốt khâu vệ sinh, khử trùng trước và sau khi chế biến để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Triển khai chỉ thị, BĐBP Điện Biên sẵn sàng tham gia ứng phó, dập dịch. BĐBP Sơn La giám sát chặt các khu vực có lợn chết hàng loạt. BĐBP Lạng Sơn tăng cường kiểm soát tại các đường mòn, lối mở. BĐBP Thanh Hóa tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. BĐBP Nghệ An tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại...
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi bà con còn ít được tiếp cận thông tin và hiểu biết có mặt còn hạn chế, những ngày qua, trước diễn biến khó lường của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các đơn vị BĐBP và các cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới đã kết hợp chặt chẽ trong chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, triển khai các đội công tác đến từng địa bàn, từng hộ gia đình cụ thể để tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi lợn biết về sự nguy hiểm, tác hại của dịch tả lợn châu Phi, đồng thời hướng dẫn người dân chủ động vệ sinh chuồng trại, tiến hành phun tiêu độc, khử trùng quanh khu vực chăn nuôi.
Các tổ công tác còn xuống tận các làng, bản tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn…
Tại biên giới Nghệ An, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Nậm Cắn, BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo Trạm kiểm soát tăng cường lực lượng phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt tại cửa khẩu, đường mòn để phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Bên cạnh đó, Đồn BPCKQT Nậm Cắn cũng chủ động các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị. Hiện, Đồn Nậm Cắn đang triển khai đề án chăn nuôi lợn nái sinh sản để cung cấp con giống cho người dân biên giới. Trước nguy cơ ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đã triển khai các biện pháp phòng bệnh, tiêu độc, phun thuốc khử trùng, đăc biệt chú ý đến các lứa lợn nhỏ, mới sinh sản, rất dễ nhiễm bệnh.