Từ năm 2013 đến năm 2017, Quân khu 7 đã tuyển chọn, cử 3.791 đảng viên nhập ngũ, đạt tỷ lệ 4,36%. Chất lượng đảng viên nhập ngũ bình quân các năm đều tăng. Trong thời gian tới, Đảng ủy Quân khu 7 xác định công tác tuyển chọn, gọi đảng viên nhập ngũ tiếp tục là một nội dung của nhiệm vụ quốc phòng địa phương.
Chủ trương tuyển chọn, cử đảng viên nhập ngũ trong lực lượng vũ trang Quân khu 7 khởi nguồn từ Hội nghị Đảng ủy Quân khu phiên cuối năm 2001, khi đó Đảng ủy đề ra nhiệm vụ tuyển chọn, gọi từ 2% đến 3% đảng viên nhập ngũ “nhằm bồi dưỡng đảng viên có kiến thức, năng lực quân sự làm nòng cốt cho địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự; bổ sung đảng viên vào đơn vị dự bị động viên và tăng tỷ lệ đảng viên để xây dựng chi bộ đại đội đủ quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu có chi ủy bảo đảm tính vững chắc”.
Rút kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện việc tuyển đảng viên nhập ngũ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân khu khóa VIII và IX đã tiếp tục xác định chỉ tiêu đảng viên là 2%, kết nạp trên 6 tháng trước khi nhập ngũ. Từ năm 2013 đến nay, thực tế đã chứng minh đây là chủ trương đúng đắn và là đòi hỏi khách quan nhằm nâng cao chất lượng tuyển quân, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời tạo nguồn cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 cho biết: “Từ năm 2013 đến năm 2017, Quân khu 7 đã tuyển chọn, cử 3.791 đảng viên nhập ngũ, đạt tỷ lệ 4,36%. Chất lượng đảng viên nhập ngũ bình quân các năm đều tăng. Đảng viên chính thức và kết nạp trên 6 tháng trước khi nhập ngũ là 3,82%, tăng 0,73% so với năm 2012; đảng viên chính thức là 871 người, chiếm 22,96%, tăng 5,02%; đảng viên là con em cán bộ, đảng viên nhập ngũ chiến 31,71%, tăng 6,31%...
Các địa phương đã tiếp nhận, mở sổ quản lý 5.164 đảng viên xuất ngũ; cơ bản đảng viên đều giữ vững tư cách, bản lĩnh chính trị. Có 3.445 đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công tác ở địa phương, đạt 68,03% so với tổng số đảng viên xuất ngũ, góp phần quan trọng tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở. Xây dựng 100% chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn, trong đó chi bộ có chi ủy đạt 79,82%, tăng 5,12%. 100% Chỉ huy trưởng cấp xã là đảng viên, tham gia cấp ủy xã, chiếm tỷ lệ 95,51%...”.
Để có được kết quả như hiện nay, cơ quan chính trị các cấp đã phối hợp với Ban Tổ chức cấp ủy địa phương hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ đảng viên, chuyển sinh hoạt Đảng và tham mưu đề xuất thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, thăm hỏi động viên chiến sĩ mới, trong đó có đảng viên nhập ngũ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng viên. Theo báo cáo, hơn 70% đảng viên nhập ngũ tình nguyện đăng ký đi học các trường quân sự và chuyên môn kỹ thuật. Ngoài ra, từ năm 2013 đến năm 2017, các đơn vị đã phát triển được 3.468 đảng viên mới, đây là những hạt nhân chính trị góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời nâng tỷ lệ lãnh đạo trong lực lượng thường trực lên cao.
Công tác quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ cũng là một vấn đề chiến lược mà Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quan tâm. Ban Tổ chức các tỉnh cũng đã chủ động hướng dẫn công tác quản lý đảng viên, hỗ trợ việc làm cho các đảng viên đã thực hiện xong nghĩa vụ quân sự. Một khó khăn khác cũng cần tháo gỡ là tỷ lệ đảng viên xuất ngũ có trình độ dưới phổ thông trung học, khó có thể đáp ứng các điều kiện để thi tuyển công chức như yêu cầu hiện nay.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 cho biết: “Quan điểm của Quân khu là không chạy theo số lượng mà chú trọng nâng cao chất lượng, ưu tiên tuyển chọn đảng viên, đoàn viên ưu tú có trình độ học vấn cao, đủ tiêu chuẩn nhập ngũ; đảng viên là cán bộ công chức trong hệ thống chính trị ở địa phương; gắn chặt công tác sử dụng nguồn cho quân đội cũng như công tác quy hoạch, bố trí sử dụng sau xuất ngũ về địa phương.
Điều được nhất sau 5 năm thực hiện chủ trương tuyển chọn, cử đảng viên nhập ngũ là sự nhận thức đúng đắn của các địa phương trong công tác bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên trẻ nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: “Bộ Quốc phòng giao kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho địa phương tổ chức đào tạo nghề gắn với bố trí việc làm cho quân nhân xuất ngũ phù hợp với nhu cầu của địa phương, đồng thời giám sát chặt chẽ nguồn kinh phí được cấp”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù tỷ lệ đảng viên nhập ngũ đạt chỉ tiêu Quân khu đề ra nhưng qua khảo sát, tại một số địa phương vẫn còn “chật vật” khi đáp ứng 2% theo chỉ tiêu do thiếu nguồn đảng viên, cũng như công tác tuyển chọn đảng viên nhập ngũ ở các địa phương vẫn chưa đồng bộ và tỷ lệ tuyển chọn đảng viên nhập ngũ không được duy trì đều từng năm. Ngoài ra, do gánh nặng mưu sinh, không phải đảng viên xuất ngũ nào cũng có điều kiện sinh hoạt ở các cơ sở đảng, chính quyền địa phương.
Theo thống kê của các Ban tổ chức Tỉnh ủy, tỉ lệ đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương bị xóa tên trong danh sách hoặc làm đơn xin ra khỏi Đảng do không tham gia sinh hoạt chiếm đến 5% đảng viên là bộ đội xuất ngũ mà địa phương đang quản lý. Các đại biểu từ Bình Dương, Bình Thuận đã đưa ra một số giải pháp nhằm thành lập chi bộ dự bị động viên hay chi bộ tại các khu công nghiệp để tạo cơ sở Đảng cho đảng viên được sinh hoạt tiếp tục...
Trung tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lưu ý, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 7 cần tập trung nâng cao chất lượng tạo nguồn tuyển chọn, cử đảng viên nhập ngũ theo đúng chỉ tiêu đã xác định; tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị và Nghị quyết của Đảng ủy Quân khu để hoàn thành chỉ tiêu tuyển chọn, cử đảng viên nhập ngũ; chú trọng công tác tạo nguồn, sử dụng đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương, tạo thuận lợi cho anh em ổn định đời sống; tạo thuận lợi cho quân nhân, đảng viên xuất ngũ tiếp tục cống hiến xây dựng địa phương…