Chỉ chưa đầy 5 tháng sau khi PMU Đường sắt được thành lập, Quyền Tổng Giám đốc PMU này - ông Nguyễn Mạnh Hùng đã bị giáng chức xuống Phó Ban, sau đó về làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Ông Hùng mất “ghế” ở PMU Đường sắt vì trong quá trình thay mặt chủ đầu tư quản lý, điều hành Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng sập đà giáo và bê tông khi thi công xà mũ trụ H07 nhà ga Bến xe Hà Đông vào cuối năm 2014.
Trám vào vị trí nói trên, Bộ GTVT khi đó điều động, bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc VEC Lê Kim Thành làm Tổng Giám đốc PMU Đường sắt. Sau hơn 2 năm ở đây, ông Thành được điều về Bộ GTVT làm Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, giữa lúc công trình này đầy ngổn ngang và mịt mờ ngày “cán đích”.
Đầu năm 2016, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - một Tổng công ty 90 thuộc Bộ GTVT tiến hành cổ phần hóa. Ông Vũ Hồng Phương lúc đó đã lên tới vị trí Chủ tịch HĐTV “Tổng” này, nhưng đã rời ghế, về PMU Đường sắt làm Phó Tổng Giám đốc Ban. Cách đây gần 2 tháng - tức sau hơn 2 năm làm Phó phụ trách Ban, ông Phương mới được bổ nhiệm làm Quyền Giám đốc.
1% khối lượng công việc còn lại của đường sắt Cát Linh - Hà Đông là thử thách cuối cùng của tổ chức đối với Quyền Giám đốc PMU Đường sắt Vũ Hồng Phương? |
Như tin đã thông tin, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến thời điểm này đã qua khá nhiều đời Bộ trưởng GTVT, và đã có tới 3 người đứng đầu PMU Đường sắt trực tiếp chỉ đạo dự án kể từ khi Ban này ra đời và trực thuộc Bộ GTVT. Thế nhưng, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại. Các cụm từ: chậm tiến độ; đội vốn; mất an toàn lao động… đã, đang gắn chặt với “lý lịch” công trình này suốt nhiều năm qua.
Mới đây, khi trả lời cử tri TP.Hà Nội về tuyến giao thông trên cao này, ngoài việc liệt kê một số nguyên nhân khiến dự án dù còn 1% công việc nhưng chưa thể khai thác, Bộ GTVT đã chỉ rõ trách nhiệm của đại diện chủ đầu tư trong công tác quản lý, điều hành dự án.
Con số 1% rõ ràng là rất nhỏ so với khối lượng tổng thể của toàn dự án, nhưng thực tế nó đang là một thách thức đối với đại diện chủ đầu tư. Thậm chí, có ý kiến nhận định, tiến độ hoàn thành 1% khối lượng công việc còn lại ít nhiều sẽ quyết định tới việc công bố chủ nhân chiếc ghế Giám đốc PMU Đường sắt nhanh hay chậm?
Điều đó cũng dễ hiểu vì Bộ GTVT chắc chắn chưa thể bổ nhiệm ngay chức danh Giám đốc khi hàng ngày, người dân vẫn còn nghe những từ “chối tai” từ đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Ghế Giám đốc PMU Đường sắt sắp tới rất có thể thuộc về ông Vũ Hồng Phương hoặc cũng có thể là một nhân sự khác. Nhưng nếu là ông Phương thì đây là một thử thách cần thiết, là động lực để cán bộ chứng minh năng lực.
Qua đây có thể thấy, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không chỉ tác động mạnh tới đời sống xã hội mà còn tác động tới công tác tổ chức nhân sự của cơ quan đại diện chủ đầu tư, bởi Bộ GTVT đang quản lý gần 10 PMU thuộc các lĩnh vực, nhưng ít thấy ở PMU nào mà việc bổ nhiệm, lên xuống của người đứng đầu lại phụ thuộc khá nhiều vào một dự án như thế.