Quản lý an toàn thực phẩm kiểu 'cảnh tỉnh một vùng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Số liệu vừa được công bố trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) cho thấy cách quản lý của cơ quan chức năng về vấn đề này đã, đang đi đúng hướng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáu tháng đầu năm 2024, toàn ngành Y tế kiểm tra hơn 232 ngàn cơ sở, phát hiện hơn 15 ngàn cơ sở vi phạm về ATTP, giảm so với cùng kỳ 2023; toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 4 vụ, nhưng số tử vong giảm 1 người so với cùng kỳ.

Đại diện Sở ATTP TP HCM (là địa phương đầu tiên cả nước có Sở ATTP hoạt động từ 1/1/2024), cho biết, những tháng đầu năm, TP đông dân nhất nước không xảy ra vụ việc nghiêm trọng về ATTP.

Theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua công an đã quyết liệt kiểm tra về ATTP. Sáu tháng đầu năm, các đơn vị trong Công an nhân dân đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ (tăng 31 vụ so với cùng kỳ) với 3.074 đối tượng vi phạm ATTP; khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng (trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khởi tố 1 vụ). Đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an nhấn mạnh tiếp tục kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm ATTP với tinh thần "làm 1 vụ, cảnh tỉnh cả vùng".

Theo Bộ Y tế, công tác thanh, kiểm tra được triển khai từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Các chương trình giám sát ATTP được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm ATTP.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho rằng có 2 yếu tố quan trọng với công tác bảo đảm ATTP là tuyên truyền và xử lý vi phạm nghiêm minh. Cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, trong đó chú ý nêu ra các định hướng cụ thể cho người dân, tuyên truyền về kỹ năng bảo đảm ATTP. Đại diện Bộ Y tế cũng đánh giá cao vấn đề cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều vụ án về ATTP, có tính răn đe.

Đánh giá tình hình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, nhìn chung chúng ta đã đi đúng hướng và các giải pháp với vấn đề bảo đảm ATTP đã và đang phát huy tác dụng. “Trong bảo đảm ATTP, ý thức người dân rất quan trọng. Hình thành thói quen tiêu dùng thông minh, văn hóa tiêu dùng thì mới bền vững, chứ chỉ tăng lực lượng đi kiểm tra thì cũng chưa chắc hiệu quả”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Những số liệu được cơ quan chức năng công bố nêu trên cho thấy ý thức của người tiêu dùng cũng như người sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm đã bước đầu nâng cao. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta chủ quan, buông lỏng, lơ là. Công tác kiểm tra đột xuất ATTP, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, làm tốt công tác truyền thông để cảnh tỉnh, phải là công việc thường lệ. Nhiều địa phương cũng đang chờ đợi TP HCM sẽ sớm có đánh giá về mô hình Sở ATTP, để đóng góp ý kiến cho Trung ương đề xuất nhân rộng mô hình, kiện toàn tổ chức, tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở khắp các tỉnh, thành.

Đọc thêm