Sự việc xảy ra tại chi nhánh nhượng quyền ở Thái Bình nằm trong hệ thống chuỗi quán ăn nổi tiếng có tên C.Đ.Q. Sau khi sự cố xảy ra, chủ chi nhánh tại Thái Bình đã đến làm việc với cơ quan chức năng và đóng cửa vĩnh viễn quán ăn. Hàng nghìn bình luận dưới video trên và cộng đồng mạng bày tỏ lo ngại về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khi các vụ ngộ độc thực phẩm xuất hiện liên tiếp thời gian qua.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2024, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, với 267 người bị ngộ độc. Tổng 4 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong. Đáng chú ý, phần lớn các vụ ngộ độc xuất phát từ các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Nắm bắt tâm lý nhanh - tiện - rẻ của người tiêu dùng, các quán ăn đường phố mọc lên “như nấm sau mưa”, từ đồ ăn vặt, xôi, bún, phở, cho đến nướng, lẩu… Nhiều quán không cung cấp đủ giấy phép hay đáp ứng điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn buôn bán tấp nập mỗi ngày.
Như tiệm bánh mì C.B tại TP Long Khánh, Đồng Nai vốn là quán bánh mì nổi tiếng lâu năm tại địa phương cho đến khi xảy ra vụ ngộ độc tập thể lên tới hơn 500 nạn nhân. Thời điểm cơ quan chức năng tiến hành xử lý mới “tá hoả” vì chủ tiệm không có giấy phép kinh doanh mà dùng giấy phép kinh doanh của con gái. Tiệm bánh mì cũng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 4 người lao động không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe.
Trước thực trạng trên, người tiêu dùng đã đặt dấu hỏi về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay.
Theo quy định hiện hành, ở nhiều hàng quán do quy mô nhỏ lẻ, lưu động tự phát nên không cần đăng ký kinh doanh, đồng nghĩa với việc, các cơ sở này không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Với những cơ sở đủ điều kiện đăng ký kinh doanh, quá trình cấp các loại giấy “thông hành” cho nhà hàng, quán ăn vẫn khá dễ dàng, tập trung chủ yếu vào thủ tục đầu tiên mà thiếu sự kiểm tra và giám sát định kỳ sau khi cấp giấy tờ.
Có lẽ đây chính là “lỗ hổng” lớn trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm khiến việc quản lý còn nhiều khó khăn, nhất là khi số lượng hàng quán nhiều và thường xuyên biến động. Ông Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng rất quan trọng. “Hiện an toàn thực phẩm được giao cho nhiều Bộ, ngành, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi Bộ một khâu, một giai đoạn. Rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra nhưng vẫn là Bộ nào nói Bộ đấy, riêng lẻ. Rõ ràng, các Bộ cần ngồi lại với nhau, báo cáo từng Bộ, từng ngành, từng cơ quan xem nhiệm vụ, công việc đã làm đến đâu, nguyên nhân tìm đến đâu rồi, phải rất cụ thể mới giải quyết được”, ông Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Ngày 11/5, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học.