Quản lý chặt chẽ việc biên soạn, in ấn, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa

(PLVN) - Đây là một trong những đề xuất được nêu tại phiên họp chiều nay, 14/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK)”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ diễn ra phổ biến

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát – cho biết, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH đã được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, TP và nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông (GDPT) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Thông tin về một số kết quả cụ thể, về bảo đảm đội ngũ giáo viên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các địa phương đã chủ động chuẩn bị đội ngũ nhà giáo; đề xuất nhiều giải pháp để bổ sung biên chế giáo viên ; sửa đổi, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng lao động để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên; chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ giáo viên , nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo theo lộ trình.

Đến cuối năm học 2021 - 2022, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 857.993 người (tăng 6.199 người so với đầu năm học 2018-2019).

Trong giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên; trong đó, bổ sung ngay 14.835 giáo viên phổ thông trong năm học 2022-2023. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được bồi dưỡng, tập huấn theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên.

Từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên.

Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là đối với một số môn học mới. Chất lượng giáo viên không đồng đều.

Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên âm nhạc, nghệ thuật đạt chuẩn. Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.

Về biên soạn SGK mới, báo cáo chỉ rõ, hệ thống SGK, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nội dung SGK bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT mới, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định SGK cũng còn nhiều bất cập.

Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở một số cuốn SGK, nhất là đối với SGK tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

Tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản SGK; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian để giảm giá SGK

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề xuất 3 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện. Trong đó, đối với nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách, Đoàn giám sát kiến nghị hoàn thành việc hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019 trong năm 2024; chuẩn bị dự án Luật điều chỉnh về Nhà giáo bảo đảm tiến độ theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của UBTVQH.

Bổ sung, sửa đổi quy định về thực nghiệm, bảo đảm chất lượng thẩm định, phê duyệt SGK. Ban hành văn bản hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chuyên đề trình bày báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chuyên đề trình bày báo cáo tại phiên họp.

Sửa đổi quy định lựa chọn SGK (Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT) theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách, về lâu dài, cần tổ chức theo hướng học sinh có thể sử dụng bất kỳ SGK nào được phép lưu hành trong mỗi tiết học; quy định về cung ứng, phát hành SGK theo hướng chủ yếu phát hành sách tại các nhà sách, cửa hàng sách.

Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, định giá tối đa SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá SGK.

Sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo.

Ở nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình GDPT, Đoàn giám sát kiến nghị nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Với nhóm giải pháp về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, SGK, Đoàn giám sát kiến nghị tập trung giải quyết dứt điểm việc tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được phân bổ.

Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Tổng kết việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho đổi mới GDPT…

Đọc thêm