Nhiều vụ tranh giả rơi vào thinh không…
Ngày 22/7, 17 bức tranh trong triển lãm “Những tác phẩm từ châu Âu về” đã được nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung đưa ra khỏi Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. 15/17 bức tranh này đã được Hội đồng thẩm định chuyên môn khẳng định không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện, 2/17 bức mạo danh chữ ký tác giả và yêu cầu các cơ quan quản lý vào cuộc.
Bảo tàng cũng đưa ra văn bản đề nghị tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, sáng 22/7, tất cả 17 bức tranh trên đã được nhà sưu tầm mang về sau khi kết thúc thời gian 10 ngày triển lãm.
Ông Trịnh Xuân Yên- Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cho hay, Bảo tàng không có chức năng giữ lại những bức tranh này. Về mặt tham mưu, Bảo tàng đã tham mưu ý kiến cho tất cả các cơ quan chức năng, tuy nhiên không nhận được văn bản tạm giữ, về phía Bảo tàng chúng tôi đã hết chức năng sau khi kết thúc hợp đồng triển lãm tranh.
Điều đáng buồn, Hội đồng nghệ thuật kết luận tác phẩm trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” không phải tranh thật nhưng ai là người làm giả thì sự việc vẫn chưa rõ trắng đen.
Có thể dễ dàng nhận thấy, hiện nay tranh giả, tranh sao chép được bày bán công khai, thậm chí trở thành một nghề kiếm sống tại Việt Nam. Những bức tranh “nhái” tranh của các danh họa thế giới như: Van Gohn, Leona De Vinci, Levitan, hoặc tranh của những họa sĩ bậc thầy Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... được bán đầy rẫy ở các tuyến phố Hà Nội: Bảo Khánh, Nguyễn Thái Học, Hàng Gai…
Họa sĩ Thành Chương bức xúc khi tranh của mình bị ghi thành Tạ Tỵ. |
Còn nhớ vào tháng 2/2011, họa sĩ Văn Thơ đã dùng con dao nhọn rạch vào một bức tranh tại Gallery Viet Fine Arts trên phố Tràng Tiền mà theo tác giả, đó là tranh giả mạo danh ông, một sự giả mạo trắng trợn và đầy thách thức. Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên Gallery Viet Fine Arts bán tranh đạo tác phẩm của ông.
Văn bản báo cáo của Thanh tra Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết, việc xử lý vi phạm của Gallery Viet Fine Arts căn cứ theo nội dung khoản 2 Điều 20 Nghị định 47/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan với án phạt 2 triệu đồng.
Nhiều họa sĩ bất bình, với mức phạt nhẹ hều như vậy thì không lạ nếu sau này các gallery tiếp tục cung cách làm ăn chộp giật? Dường như câu chuyện này còn đặt ra một dấu hỏi: liệu án phạt đã quy đúng và đủ tội? Án phạt quá nhẹ cộng thêm không tìm ra thủ phạm làm tranh giả, vụ việc này chỉ là một trong số rất nhiều các vụ xâm phạm bản quyền trái luật đã và đang xảy ra với rất nhiều tác giả, tác phẩm tạo nên sự bức xúc trong giới hội họa và dư luận.
Vào đầu những năm 90, khách du lịch phương Tây khi đến Việt Nam cực kỳ yêu thích tranh “Phố Phái” của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhu cầu mua tranh “Phố Phái” tăng đột biến và người ta chóng tìm ra các tác phẩm nhái tranh “Phố Phái”, nhưng mặc nhiên không có ai đứng ra chịu trách nhiệm về các sản phẩm giả đó.
... Trong khi Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật bị giải thể
Họa sĩ Đào Anh Khánh cho rằng hiện trạng tranh giả ở Việt Nam là một bức tranh đen tối. “Nó là nguyên nhân làm giá trị mỹ thuật đương đại Việt Nam trở nên tồi tệ, khiến cho giới mỹ thuật quốc tế lo ngại cho thị trường mỹ thuật chúng ta. Bức tranh đen tối này tồn tại quá lâu, nhưng chưa bao giờ có ai lên tiếng mạnh mẽ về việc này”.
Sự trục lợi qua tranh sao chép, tranh nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đã làm tổn hại đến thanh danh của những người làm nghệ thuật ở Việt Nam nhưng nguy hại hơn là chúng gián tiếp giết chết niềm tin của công chúng, của khách hàng.
Sở dĩ tranh nhái có “đất sống” bởi công tác quản lý nhà nước đối với thị trường mỹ thuật quá lỏng lẻo. Sự lỏng lẻo ở đây được thể hiện rõ qua việc giao dịch mua bán các sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật thường không có sự tham gia của cơ quan quản lý về thuế. Thay vào đó, những sản phẩm đáng giá tiền triệu, thậm chí là tiền tỷ được thực hiện trong một thị trường phi kiểm soát mà các nhà kinh tế gọi đó là “thị trường chợ đen”.
Ngoài ra, sự thiếu tự giác từ chính tác giả trong việc tránh đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình và nộp thuế cho Nhà nước cũng dẫn đến tình trạng “không thể phân xử” trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Nhưng ngay cả khi tranh giả “xâm chiếm” các bảo tàng uy tín của Việt Nam như triển lãm “Những tác phẩm từ châu Âu về” vừa qua thì các cơ quan quản lý như: Bộ VH,TT&DL, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bảo tàng, Hội Mỹ thuật Việt Nam... bất lực nhìn 17 tranh giả điềm nhiên trở về với chủ mà không bị xử phạt và không thể tìm ra “thủ phạm” làm tranh giả là ai.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm từng cho biết, Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật được thành lập ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không được bao lâu đã phải giải thể vì không có đối tác nào đến làm việc, hay khi Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức hội thảo vận động thành lập Hiệp hội Gallery nhưng cũng không được hưởng ứng; dự định thành lập Quỹ Mỹ thuật nhưng không tìm được đơn vị tài trợ kinh phí cho quỹ…
Trung tâm giám định bị giải thể, nếu có xử phạt tranh giả thì mức phạt nhẹ hều, đồng nghĩa việc tranh giả vẫn “oanh tạc” ngành Mỹ thuật Việt Nam. Nếu cứ đà này, dễ hiểu, dù có nhiều họa sĩ tài năng nhưng mỹ thuật Việt Nam sẽ mãi là “vùng trũng” trên bản đồ mỹ thuật thế giới. Đáng buồn thay!